25.11.05

HÁT VỚI ĐỜI, ƠI THƯƠNG MẾN !

TRẦN XUÂN AN

HÁT VỚI ĐỜI,
ƠI THƯƠNG MẾN !


thơ


NHÀ XUẤT BẢN TRẺ

1996


CẢM ƠN MÙA XUÂN

thổi khẽ qua vườn chiều, lâng lâng xanh
nhẹ lướt lên nền trời, gió ơi tím ngát
lay thức ngàn sao, long lanh

em nói gì đi tôi nói gì đi
này mùa xuân, sương trên áo len lóng lánh!
bàn tay nghe nhịp đập thầm thì

giạt vào nhau từng làn hương anh đào
từ quanh đây, tự xa vời bảng lảng
thoang thoảng qua trái tim, nao nao

ôi nhỏ bé biết bao giữa biếc tía mênh mông
nhưng che lấp cả sương, sao, hoa, gió
nhưng cả xưa sau mang mang trong đóa hôn nồng.



TỪ CÁNH LÁ VÀNG, BẾN VẮNG

bèo giạt mây trôi chốn xa xôi…
(dân ca quan họ)


cánh lá rơi ngực ta!

nắng chấp chới hồng sa
khi không lòng không nhà
em biếc xanh lúng liếng
ta – bèo lục – bừng hoa

khẽ đỗ, trôi mượt mà
thơm dòng nhạc bao la
chiều tà hừng nắng sớm
hợp âm bồng bềnh xa

ta thành cồn khói nhòa
em óng ả nhẩn nha
dăm cây xoan màu Huế
trên hồn reo nở òa

ta – thuyền trong ngân nga
em xòe cánh buồm ngà
chở những chòm sao tím
bao bóng mây bay qua

cánh lá rơi ngực ta!

trổ ngọn trái tim già
kết mật giọng sơn ca
bay la đà tình khúc
nỗi cô đơn chói lòa

cánh lá rơi ngực ta!



KHI NHÌN XUỐNG BÓNG MÌNH

câu thơ nắng bỏng xát
phùn buốt phủ tấm tình
khắc vào nhau nét nhạc
chữ vang trong lặng thinh

ơi giêng hai ủ mật
mặc rêu lạnh vuông vườn
mùa hè ơi, lịm ngất
lửa ngọt đắng, môi thương

chơi vơi của hạnh phúc
nghiệp chướng cứ bồng bềnh
yêu không đành nẫu rục
hôn em mà lênh đênh!

tắt chiều xưa tím thẫm
anh mịt mùng xa xôi
lãng quên sao vẫn ngấm
lạm buồn xiêu lạc đời

phố phường mãi ghềnh thác
sốt rét tiếng cười giòn
dằn xóc anh, thơ hát…
nỡ nào em khổ hơn!



ĐÓA LAN Ở MIỀN ĐẤT MÙA THU XANH

không dưng rét buốt sương mù
gió lay day dứt nỗi tù đọng mưa
một màu len rất ngày xưa
đã gom hết nắng sáng mùa, về đâu…

bồng bềnh xanh cao nguyên nâu
nơi cầm phấn thuở ban đầu giảng thơ

mắt mười tám biếc, bất ngờ
chớp rung thầy, hỡi tình trò trong veo!
đang trên bục gỗ, cheo leo
tôi cùng thơ vút rụng vèo vút bay…

cằn giáo khổ nhức nhói say
lớp nào hay em loay hoay ngỡ ngàng
ngẩn sư anh tình đa mang
thương em run niềm bàng hoàng ni cô?

nhà xa trường lạnh dốc mờ
thác khuya khoặt vọng dặn chờ đợi nhau?

lại đau đáu đắng tình đầu
khắc tên lên bút, rối câu thốt khờ…
thế rồi, em mãi học trò
dẫu tôi thôi kiếp nghiêm khô…
Chiều rồi…



GẦN XA LÃNG ĐÃNG

ngẫu hứng dọc đường với hai người bạn

rong chơi với mùi hương
trăng trăng và sương sương
em đó không không đó
xui chi anh lạc đường

đêm trôi làn tóc mượt
thoáng hương lâng đằng trước
thoắt lãng đãng phía sau
em gần mà ở đâu

mùi hương ơi hương, hương
một đời anh đuổi bắt
chợt là em rất thật…
vô thường và vô phương!



VỚI NHỮNG HÀNH GIẢ
CỦA TÌNH YÊU

tháng giêng ngỡ hết, theo em
ban mai trăng và đang đêm, sao ngời
râu đôi sợi khói trắng rồi
vẫn men truyền thuyết tới vời vợi xanh

ngàn bậc đá ngút tâm thành
say ai líu quíu bước anh ngang trời
gậy hành hương mướt mồ hôi
đi điền dã chống nỗi đời hư vô?

dừng chân quán nước Đợi Chờ
mắt chìm cổ tích lạc mờ, long lanh
giữa đồng bằng của hồn anh
đột ngột em cao vút xanh núi tình

điện Nàng Đen ngát lung linh
không dưng thầm đượm lời kinh cháy nồng –
(ca dao dân khúc vút cong!)
nỗi đau hóa tượng cho lòng bâng khuâng

kính làn da thắm bồ quân
bàn tay khô ráp vết truân chuyên buồn…
tiếc từng thoáng nắng chiều buông
bên em – hành giả – về nguồn Yêu Thương

bạt hư vô mấy nẻo đường
ngông này hát đỡ chán chường nghe em:
gửi tàu vũ trụ
đĩa mềm – bảo tàng trái đất…
tình thêm Vô Cùng!



NHẠC BIỂN
VÀ THÚY KIỀU TÌNH CỜ QUEN BIẾT

giọt biển mặn
lắng trong
lăn dài, ngân khúc hát
sóng sóng quặn trào rách nát
từ thăm thẳm vọng về
ngồi bên biển khuya nay lặng nghe

lấp lánh xa xăm trước mặt
nét chữ tuổi thơ hương thoảng hiên chùa
giọng ai hồn nhiên ngọt giọng nước dừa
từng tiệm rượu
giạt trôi
tiếng đàn như cứa
và biển bây giờ thao thức với trăng xưa

lóng lánh sóng
vỡ và chìm
niềm góa bụa
giọng ai lại hồng xưởng thợ
mênh mang
cũng tắt bài ca
dở dang!
còn gì để mất ơi phố phường bụi úa
từng cơn thảng thốt, biển khuya nay khóc tràn

lửa bếp héo vàng chờn vờn lao xao chợ búa
nhấp nhoáng sóng ru ngày tháng nhà người
chỉ hát cho mình bên rỗ rau tưới
thảng thốt từng cơn nước mắt
biển khóc là cười!

đăm đắm biển ướt màu trăng tím ngắt
tan cùng đợt sóng bồi hồi
cháy lên vì sao đỏ mờ xa xôi
vầng hừng đông dâng trên xám bạc –
biển run rẩy và hoang dã trời

tâm hồn biển cứ mãi hoài mặn chát –
cốc nước dừa trùng trùng sóng gió trùng khơi
ánh sáng nào sau đài trán kia, cho em ngẩng cao
thầm hát với đời
lẽ đâu không còn gì để mất?
biển lại ngời xanh bát ngát
biển ơi.



HÁT LÊN VỚI MỖI ĐỜI THƯỜNG
TỎA SÁNG

tuổi ngoan mưa bạt nắng thiêu
cái nhìn lạnh nám tình yêu lâu rồi
đời rợn buồn một cuộc chơi
ngỡ bao dối trá hát lời mến thương

dẫu tiếng ca lem bụi đường
khúc son phấn nhạt nhòe sương mấy miền!
em cười khóc với hồn điên
đèn vạn hoa ánh màu nghiêng phông màn

phòng trà nút rượu nổ ran
đỏ bừng tái ngắt từng làn điệu say
ngất ngây nhịp vũ vòng quay
kèn nấc ré, đàn héo gầy, nhạc đen

thấy cuồng vui hối hả, quên
(khói mù trí nhớ, quên, quên chính mình)!
vút ngân quằn quại hoảng kinh
tắt khao khát, sợ chút tình trần ai

hát mộng du cõi thiên thai
cỏ hồng mộng tưởng thơm hoài mộng mơ
hát mộng mị miền hư vô
chung chiêng mộng ảo, âu lo con-người!

… tan hoang xế tuổi ba mươi
tung hê, cho bớt niềm rười rượi đau!
ước-vọng-bình-thường, xưa sau
giờ tìm thấy, giọng bạc màu phôi phai!

vẫn hát tin kiếp rạc rài
mắt rưng nắng, chưa sạn chai bao giờ
hát tin đáy rác bùn dơ
mầm sen sẽ ngát câu hò, hương ngân…



HI VỌNG MÙA XUÂN

hạn hán hoang vu sỏi đá
cỏ úa cằn vàng võ mắt tôi
tia nhìn đăm đăm
dội về ngực tối

dòng sông chết
con suối cạn
tắt giữa đời thương nhớ
rỗng không đầy niềm dửng dưng

tiếng hát nào là mây chân trời
mưa xuống biếc xanh mầm lá
tôi buồn lòng cho tôi
cơn khát và nỗi hoang vu đá sỏi

đôi mắt đăm đăm, tôi ơi
tia nhìn khoảng không,
không đến đâu
không đến đâu
rơi về ngực tối, làm sao sống được
làm sao sống được chỉ với hoài niệm tím!



BIỂN TRĂNG HUỲNH THỊ PHÚ

ngón tay bối rối bồi hồi
níu xanh mượt tóc ngang trời bay bay
sóng vỗ, tung sao cuối ngày
bềnh bồng biếc, trên tròn đầy bờ vai

nét em nhòa trong chiều phai
gần, vời vợi, lại đan cài vào nhau
một vầng trăng biển óng màu
trôi tới bờ thoắt bay mau, đêm ngời

em huyền ảo ở bên tôi
sóng tràn sóng rượu nỗi đời dậy men
nước mắt ngàn năm nhánh đen
tóc nghiêng khỏa tiếng lãng quên, ngọt ngào

gối hai tay nhìn lên cao
cao, cao, lóng lánh sao nào tím xưa
sao rơi rơi xuống – mưa, mưa
trăng thành phao nỗi gió đưa em và…



NHÌN THẲNG

đánh thức dậy đi em
khát vọng đã cũ
còn ấm ức còn vùng quẫy
đâu đó trong miền thinh lặng

đánh thức dậy đi em
khát vọng đã cũ – không bao giờ cũ
như đứa bé ngủ rồi còn nấc
– trong em trong em
miền thinh lặng –
mãi giậm chân hờn giận ấu thơ

đánh thức dậy đánh thức dậy đi em
khát vọng tưởng chừng đã cũ
chôn chặt chính mình – chôn chặt cái chết
đâu đó giữa gió giông tha ma miền thinh lặng

đánh thức dậy đi em
miền thinh lặng trong em
suốt đời lạ lẫm, nhưng suốt đời
đau đáu khôn hay – ngấm ngầm héo tóc

đánh thức dậy đánh thức dậy đi em
và gọi đúng tên khát vọng tuổi học trò
hãy thôi gương mặt muộn phiền hờ hững
ném vỡ cái vô hồn bằng sáp dưới hừng đông.


GẶP LẠI GIỌNG XƯA

tặng Lê Thị Hương Sen (LTLH.)

gọi nhau đổ đôi hồi chuông –
tiếng dế ran trong vắt sương trên bàn
thuở cách vườn ngập lá vàng…
bao năm xa vắng … vọng vang … xa vời

còn xa lơ lắc, xa xôi…
như ghé tai chạm bờ môi, thì thầm
sóng trăm cây số xa xăm
run tiếng em hay tự thăm thẳm mình

(ống đạn nhỏ – chiếc chuông tình
chim reo giậu cũ rối tinh tơ hồng
nhớ dây nào của nhau không…
đến nửa đời vẫn bòng bong rối bời)

gượng vờ hờ hững lơi khơi
nao nao tần số ríu lời bâng quơ
cái vu vơ đành ngu ngơ…
(tiếng chim chào khách chết khô lâu rồi!)

giờ như hai đứa bé thôi
cặp lon sợi chỉ bồi hồi truyền tim…
… mạch đập buồn với lặng im…
biết em ngoài đó, tôi tìm trong tôi!


TRẢI NGHIỆM

Tố Như kính yêu, người có bao giờ
suýt hụt chân
chết đuối dưới vũng đen nghiên mực?

(TXA.)

trắng xanh xao mai dậy thì, chớm úa
mới độ rằm lan chừng cạn máu rồi
ơi đóa cúc đẫm phấn son mỏng lụa
cùng ngát nhài kia lả dưới cánh dơi

đêm, bóng đêm xòe ra đôi mái lá
đèn mờ thất sắc cung nhạc cầu vồng
tay chuốc rượu ríu ran ôm khách lạ
tuổi bạc phơ lâng khói thuốc nhẹ không!

hồng Bắc Ninh mặn mà cười rất Tết
ngọt Vĩnh Long huệ tẩm mật giọng tình
dạ hợp Huế hương tóc nồng con rết
vắt lên vai đê mê trong rợn kinh

gã nhà thơ gió cuốn vào nhà thổ
bút dấn thân nơi lem luốc, tận cùng!
trái cấm tham si trụt trồi vạn cổ
mồm mép nhồm nhoàm đôi mắt rưng rưng

chừa trinh bạch phải đầm hương tục lụy?
hạ ngã xui đời-mưa-gió mịt mùng?
lẽ nào thơ là trò đùa ma quỷ?
dắt nhau hòan lương giữa cõi riêng chung?

sóng, sóng và sóng, ầm ầm tiếng sóng
phố co ro duềnh nước bọt, thét gào
hoa hoa hoa héo bầm khuya bỏng cóng…
trong mộng dữ này, qụy gục rồi sao!



BIẾT ĐÂU NGỌN NGUỒN LẠCH SÔNG…

áo dài nhạt tím lụa là
giảng đường… bằng biếu thổi sa chốn này?
tóc thề váy trắng bay bay
tuổi mười bảy giạt vào đây bao giờ?

phố hanh Ả Rập gió khô
mặt che nắng, bụi thành cô dâu Hồi?
lầu xanh rộng mấy ngả đời?
phòng se ôn đới sục sôi men nồng

tôi còn tin ở tôi không
thơ ca huyễn mộng miền bồng bềnh mây!
hát theo dòng chữ đắm say
nhạc hình lả lướt đèn quay đảo đời!

chung quanh ảnh khỏa thân mời
thả lời trần trụi buông lơi vải hờ
tay hồng măng mướt lông tơ
ngực run thánh thiện rướn rơ ngón nghề!

cơn lửa đốt bụi ê chề
bâng khuâng chi giữa cõi mê điên buồn
bao nàng thơ đẹp trên đường…
mắt hồ nghi hết, đời cuồng hết thơ!



TRƯỚC BIỂN, NHỚ VỀ

I

ngỡ sóng vỗ về vo xát
giặt giũ đời sạch tâm tà

II

nước mắt, lụa hoài trắng cát
tay mòn cho hồn vân hoa.



NHẬT THỰC

“tròn vành vạnh xơ cạnh tía tô
đi nam đi bắc đi mô cũng về”
ruộng đông cho đến đồng hè
đi đi về về trên đê ngang trời
(câu đố Quảng Trị)


đang ban mai tắt nắng, chiều
mung lung đêm, ngơ ngẩn xiêu nghiêng đời

vành ca dao nhợt nhạt trôi
ngang lối cũ dải nón rơi, héo màu

chút lầm sầm tối lịm đau
tay không thể nắm tay nhau, hết rồi!

ném lên chiếc nhẫn, lạnh, ngời
cầm trăng che khuất mặt trời trong tim

đành thăm thẳm niềm lặng im?
ngập quanh khuya lạnh khỏa chìm mang mang?

thoảng thôi em, nắng khỏa tràn
gió bay thả nón say quan họ tình.



GIỮA THIÊN HÀ NƯỚC MẮT

rất, rất gần, quá xa xăm
trăng bay quanh, tủi ngàn năm một mình
thương, thương quả đất thất tình
bay quanh khát vọng lặng thinh – mặt trời!



ĐẮM SAY VÀ RẤT TIẾC

mùa hoa đâu xa xăm
mắt thăm thẳm đăm đăm?
bờ vai hồng se lạnh?

sông trăng vàng sóng sánh
thiết tha mê dại đêm
sững buốt làn tóc mềm

một trời sao nghẹn tắt
khuya cuối đông bằn bặt
nụ hôn em trĩu buồn!

đưa nhau về trong sương
nghìn búp mai chồi biếc
rụng dưới chân, da diết.



TƯỞNG TIẾC

gục lên vai bạn, và đi…
mở lòng
đất đón
(… xanh rì mộ rêu!)

vô thanh
phụt tắt tiếng kêu
một mình cõi lạnh…
(thảy đều vậy thôi!)

mong manh tất cả ở đời
cao đỉnh núi vẫn thẳm khơi khỏa chìm
vạn năm sau có ai tìm
lại hồng-hoang-mới vắng im phương nào?

rợn hư vô gió tiêu dao
vĩnh hằng đâu, giấc chiêm bao kiếp người!
tiễn nhau nấc nửa tiếng cười
cát bụi hoa, cát bụi tươi cỏ bời

cái-đau-khát-sống, chơi vơi
dâng đời máu thịt, dẫu rời rã xiêu
mồ hôi rồi cũng tan tiêu
phỏng phiêu vũ trụ! càng yêu thương đời!

tặng thời xoáy ốc luân hồi?
sóng từ tim
tỏa vào trời
bay bay?

sóng nhân văn
mang mang này
gửi hồng-hoang-mới
bớt dày buồn-nôn?

khói hương
một nấm đắp chôn
trong tôi bia dựng…
xe bon, ngoảnh chào…



CỤM TƯỢNG HƯ VÔ

trăm năm còn có gì đâu
chẳng qua một nấm cổ khâu xanh rì!
(Nguyễn Gia Thiều, CONK.: 103 – 104)
… và còn đó vô-thức-trần-gian – sử biên niên
vô hình vô ngôn hiện thực giữa đời…


ngã xuống chìm vào bằn bặt cái chết
“cháo lú” húp rồi, bên sông “cõi âm”
như cổ tích, ông ngẩn ngơ sống lại
bao năm run quắp, luờ quờ, ngọng câm

hồn vía lụi, bùng, thuở ba mươi tuổi
vẫn loạng choạng bước quanh quẩn xóm làng
cái xác sống bao năm cười méo xệch…
đứa con tìm cha, cuối mỗi chiều tàn

hơn nghìn đám tang nghìn nghìn nấm mộ
bóng dáng ông đánh thức tiếng thở dài
nhói niềm âu lo mong mong manh kiếp sống
giật mình, tay ai níu chặt tay ai!

đứng thẳng giữa đình, dân làng tưởng niệm
lịch sử rạng ngời anh hùng, nhà thơ…
về ngang truông cát, quỳ nâng Nỗi Khổ
nước mắt ngại phiền, ông nghẹn khóe mờ!

tuổi sáu mươi lăm trở về bụi đất
hiếu thảo đã thành chuyện cổ đêm đông
tượng cha con ông sân đình ai tạc
bệnh tật, kiếp thừa, mãi khắc sâu lòng

và chẳng ai mất dẫu nghìn quên lãng
vô-thức-làng-thôn di truyền ngỡ không…
thoáng lá vào hồn, thiên thu xào xạc…
giọt mưa từ tâm, Dòng Sống ngọt hồng…



TÌNH YÊU CHÍNH MÌNH

say đắm chính mình trong ánh mắt bao người
môi cười ngất ngây đến vậy
bóng dáng hương thơm đam mê lửa cháy
lửa trôi trên mắt ai ai, thành suối chảy dài!

bây giờ thì đã tàn phai
bơ vơ với vòng tay trống rỗng
hình như suối cạn khô, chiều tà sẫm bóng
tìm đâu chút bền lâu chỉ đâu đó giữa lòng mình?



GỬI MỘT NGHỆ SĨ

thoang thoảng, vang, rưng, tiếng đàn
hoa tỏa sớm, thoắt trầm man mác chiều
rất nghìn năm dáng dung Kiều
áo tứ thân giữa thời phiêu hốt này

bồng bềnh lịm ngất bay bay
khúc ríu rít, bài xé cay, bỏng tròng
sổ đoạn trường đã nắng hồng?
trắng tơ xóm dệt hương đồng ngát trang…

nghe thăm thẳm đến bàng hoàng
trái tim bé bỏng trĩu mang vô hồi
ngỡ từng bao kiếp sống rồi
hồn hai mươi vẫn vợi vời xưa sau

nhà đâu xiêu nát oán sầu
tuổi thơ run ngó lề cầu xẩm xoan…
ngấm chân rác phố bùn làng…
em cười khóc với nhân gian khóc cười

vẫn đau đáu giữ chất người
tiếng đàn sắc buốt trong mười ngón tay
dấn thân, tránh bẫy giăng đầy
(ngưỡng căng – rung – mỏng mảnh dây đàn đời!)

nghe thảng thốt đến rối bời
chút niềm giằng xé cái tôi, giật mình
quá mênh mang một tấm tình
em chới với, chơi vơi, kinh sợ lòng?

vùi thân theo quẻ long đong?
nghe đanh lạnh, bật tiếng không, lạnh lùng
bi réo rắt ấm trầm hùng
dẫu mềm mại dây chẳng chùng, lắng ngân…



TẶNG MỘT NGƯỜI LỠ VẬN

lá lục nắng đỏ, vàng hanh gió
tàu phương nam say Tết, lâng lâng
ga quê lấp loáng phùn bấc nhớ
lối sầu đông bay tím biếc xuân

rải trắng lên bùn lầy trắng cát
nắng mới hồng, reo tuổi mới tinh
cội mai nào hương xưa thẳm ngát
ta cúi đầu ngó sững bóng mình

lãng đãng cứ thử làm kẻ lạ
trốn những mời chào ngợp tình thân
đâu cửa mốc vách rêu óng ả
tứ thập – bốn câu đối – thắm ngần?

(chẳng bốn mươi lóng đời tàn rữa
không bốn mươi con chữ nổ ran
bốn mươi viên pháo, lép, màu úa
tan tác giữa lòng vô thanh vang!)

nửa kiếp lang bạt bao xứ khách
đâu cũng quê và đâu cũng không
nơi cho giọng nói chưa pha phách
chốn yêu thương, về bỗng khóc ròng!



QUY LUẬT TRỜI ĐẤT ĐIÊN KHÙNG!
VỚI THIÊN NHIÊN,
LOÀI NGƯỜI VỐN BÌNH TÂM

bất tri nguyên thị thử hoa thân
(Lý Thương Ẩn, “Mộc hoa”) (?)
nguyện đền ơn thiên nhiên
(Trần Xuân An, “Tôi vẫn ở trên đường”)
tặng “Cảm xúc về hoa sau Tết” của Đinh Trầm Ca


1
heo may thoảng dăm thoáng rét
cho đất xanh trời ra giêng
ngập ngừng, tiếng chổi nhè nhẹ
bầm nát niềm thương hương thiêng

2
mai, rực rỡ trong nỗi chết
không cả tên dù tên mai
mai, mai huy hoàng nở trọn
cam phù du để tàn phai?

3
nâng niu dáng mai nét lộc
hoa, hoa, đâu phải thây người!
lẽ nào giữa câu đối đỏ
bình hoa đựng xác hoa tươi?

4
(bon-sai, quý sang cằn mọn
dây chằng buộc thít vào da
xót xa chim lồng cá chậu
núi đầm bé lại bên ta!)

5
tiễn Tết, và mai đã héo
sững sờ, hư huyễn, chơi vơi
mộ vườn ai run lộc biếc
thịt xương, hoa lá tốt ngời!

6
còn đây quỳnh lan đào cúc…
ai là ai kiếp xa xôi?
quả báo, lại bằng tội ác?
Phật chắp tay trước Luân Hồi!

7
(tảng gạo cổ tích đã nát
ăn gì để sống, tôi ơi?!
loài người phải trồng và giết?!
địa ngục, chính là cõi đời?(*))

8
(hóa thân, chìm vào lẽ thật
ăn gì để sống, tôi ơi?!
chẳng lẽ loài người tự sát?!
hoang tưởng siêu thức, rụng rời!)

9
thiên nhiên, thiên nhiên thực ảo
đắng cười, duy cảm vu vơ!
hạt gỗ bồ đề kết chuỗi
là từng mầm sống héo khô!

10
lòng mong lành như mảnh đất
ươm hạt? chiết mai về nhà?
vẫn thế, xưa sau xinh mãi
hoa, thiên nhiên ngát tình hoa

11
thôi, nhặt khẽ hoa vào hộp
thanh sắc mùa xuân vùi chôn
dẫu đành gửi xe ngộp rác
hương mai thơm mãi tâm hồn

12
thiên nhiên hoa hương trái mật
Con Người mòn đuôi, hát thơ
yêu quá trần ai, tâm tĩnh
quả đất – nốt nhạc lam mơ.

Cước chú của bài “Quy luật trời đất điên khùng…”:
(*) Trong bản đã xuất bản, câu này được in đậm, đồng thời có dấu hoa thị * chú thích, nhưng cuối cùng tôi đã gác lại mấy dòng nội dung chú thích ấy, bởi bấy giờ (1995 – 1996), tôi chưa viết tiểu thuyết Mùa hè bên sông (bản 1997, bản 2001 & bản hòan chỉnh 2003). Xin xem thêm tiểu thuyết này.




PÔ SHA-NƯ

đang trưa Pô Sha-nư
hương muối biển trên đồi mằn mặn gió
thánh thót tiếng chim lảnh lót, hình như
nắng vỡ
hình như điệu múa rung trào trúc tre hoa cỏ

Pô Sha-nư
tháp cổ
hình như
đôi ba cánh buồm phần phật màu gạch đỏ
trôi bồng bềnh lắc lư
vượt mặt phẳng biển cong xa mờ cách trở
vẫn bây giờ neo bờ Phan Thiết nhớ

Pô Sha-nư
chiếc thuyền này “ông hoàng” nào đến ở
nhà sư nào mõ gõ kinh ru
pháo đài nào đạn găm súng nổ
người thơ nào, hình như, tương tư
(chỉ được thoáng yêu mà dằng dặc khổ
thù hận phụ phàng đến oằn oại ngất ngư)

tự đánh lạc nỗi đau
– lòng tháp gió ù ù
lịch sử loài người những cuộc chuyển cư
lìa cội xót cay, hay vung gươm dễ sợ –
ảo giác ngỡ du thuyền, Pô Sha-nư
dập dềnh sóng vỗ

cõi đất cuối cùng đây ư
vương quốc lưu dân sụp đổ
Pô Sha-nư
tháp thờ hiu hắt, hình như
công chúa còn đâu đó
mắt nhìn buồn thăm thẳm thâm u
huyền bí màu da (nâu hồng Ấn Độ)
gốc tiếng In-dô – chùm đảo xa mù

Pô Sha-nư! Pô Sha-nư!

nhưng hình như
người người hành hương lên đồi gió
thương Hàn Mặc Tử
ngẫm chuyện tình
từ độ…
(giá không có tứ thơ
– giết người trong mộng, mơ –
quằn đau đến man rợ)…
và yêu ơi nét duyên Kinh Chăm
mận chín ngọt lừ
ấm áp nắng trưa bên tháp lạnh hoang vu
sóng biển ngời rực rỡ.



MÙA XUÂN TRẺ THƠ

I. chơi cờ du lịch trên bản đồ cõi đời

trải rộng trần gian, bát ngát
sắc da – tứ quý – vườn xuân
cái nhìn bay quanh thế giới
rực rỡ trăm hương, lâng lâng.

II. quốc tế ngữ (*) với đồ chơi phát sóng

tháp sóng – Ba-ben thần thoại (**)
nở đỏ khát vọng loài người
hoa đào chớp quanh quả đất:
tiếng chung bên tiếng đưa nôi.

Cước chú của bài Quốc tế ngữ…:
(*) Tiếng nói và văn tự không phải của bất kì dân tộc nào, đất nước nào.
(**) Điển tích lấy từ “Kinh Thánh” của người Do Thái: Lí giải theo tư duy huyền thoại về nguyên nhân sự khác biệt ngôn ngữ, phân chia thành nhiều dân tộc trên thế giới; ấy là do sự trừng phạt của Đức Chúa Trời Jê-hô-va bởi sự bất kính của loài người đối với ngài (loài người muốn xây tháp Ba-ben cao vút, chọc thẳng lên trời xanh)!
(Chú thích (**), ngày 26. 03. 2005).




NGƯỜI DƯNG KHÁC HỌ

thị xã xanh, nồng nàn dòng sông sắc lửa
núi tắt từ lâu,
vẫn nguyên màu tha thiết đến giờ
về thăm nhau, mời nhau li cam vắt
đất đắng
ngọt phù sa –
nơi đây
ai xưa
đỏ nước mắt đợi chờ?

sông chảy đời sông, còn bởi đôi bờ
êm ả, quanh co, thẳng xuôi, ghềnh thác
từ trái tim mười tám năm xưa, ngỡ tắt
vẫn lòng bút đỏ quằn vênh không khô

cuộc sống tình cờ
và cơ hồ đâu tình cờ
bạn vẫn dải lụa đào phất phơ
vẫn sợi tơ hồng buộc diều đứt phựt
diều rụng nơi đâu, giăng mắc tơ
qua ruộng rừng, thị xã
qua đôi bài thơ

bạn vời trông ai rừng thẳm biển mờ
lẽ nào vẫn dòng sông bâng quơ
trinh trong nhuốm ráng chiều mộng mị
ôm nỗi hư vô?

bạn vẫn người dưng
xa lắc xa lơ!
đưa nhau quay về năm tháng ngây ngô
thị xã như mẩu giấy học trò thuở đó…
ơi những con đường kẻ ô
ta qua bên kia lề, nhìn lại bên này lề mực đỏ
tìm gặp nhau,
chỉ thôi đành ngậm ngùi thương nhớ
dù bên nhau, cũng thương nhớ ngu ngơ
ơi dòng sông –
sợi vải nghệ hồng vắt qua thiệp mở
bỗng thắt vào tim! bén ngót không ngờ!
lành lặn chăng vết thương tươi rói,
thoáng hình dung. Sững sờ

thôi nhé, lần cuối cùng tan vỡ
bạn vẫn người dưng xa lắc xa lơ
dòng sông nơi đây ngọt hoài màu cam vắt
phù sa khỏa lên niềm-đau-không-ngờ.



THĂM MÙA XUÂN TRÊN ĐỈNH XANH

dịu dàng mướt ngời nắng lạnh
tóc hương, mùa xanh đầy vai…
bàng hoàng, một tôi đã khác
và em, cũng đừng thở dài!

đành thôi, ta như bạn cũ
đưa nhau tìm dấu chân tiên
đỉnh xanh giữa xanh xanh ngát
ai tạc nên Niềm Hồn Nhiên

ơi đôi bàn chân trẻ nhỏ
bên hai lỗ đáo rất tròn
in vào nghìn năm đá tảng –
hình tượng thơ trên chon von

(sân mưa thuở nào hửng ấm
mẹ đi chợ vắng, đường xa
bé chơi một mình, khắc đậm
vào tâm đạo sĩ ngang qua?)

thơ đời ngút cao xanh ngát
bao năm đắp núi xây non…
chạm trổ trong nhau ngày nọ
đóa tình ơi, mưa xói mòn?

nửa đời, hương hoài trinh trắng
tóc hương, mùa xanh đầy vai
ta nuôi con-tim-chung nhé
ngây thơ, ngỡ một là hai

ơn em lời ngoan sắc sảo
đưa nhau xuống với cõi người
lên tiên, đành thôi, thoáng chốc
lâu về thêm lạc loài, thôi

đành chia tay nhau, kỉ niệm!
ta li dị tình-yêu-ta
nuôi con-tim-chung bạn nhé
trong tôi, đứa bé khóc òa.



ĐIỆU MÚA HÁT THƠ
NGHÌN MẮT NGHÌN TAY MỚI

đuôi công xòe tà
nghìn tay nghìn mắt?
trẻ con múa hát
vũ khúc Phật Bà?

ngang đây, nhẩn nha
ngẩn ngơ, ngơ ngác
ai xưa điêu khắc
đốn-ngộ-thi-ca?

hồn dột ẩm nát
sách thơ nghìn nhà
lướt hong sân đất
sen bừng nghìn hoa

vũ khúc bát ngát
rách, thoắt lụa là
tượng cổ thoắt tạc
thoắt, thú rừng xa!

hài nhi tỏa nhạc?
công lượn nắng sa?
nghìn tay nghìn mắt
bùn lấm chói lòa.



CÔ HÀNG SÁCH
CHIỀU MƯA ĐÀ NẴNG

cảm ơn một người bạn (*)

như nắng chưa xa ngoan mắt trong
yêu em mùa hạ si mùa đông
mưa tới tan theo ngàn giọt nước
nước vỗ lên bờ trăm nhánh bông

đây bông huệ trắng ngát đôi tay –
thơ vỗ tràn quầy em chiều nay
mưa ngàn phiến nắng vàng hoe nắng
đọng trong mắt nâu trời thơ nây

ơi cô hàng sách mưa là tôi
mưa là tôi lấp lánh nhạc đời
em vui, thiên hạ đầm sầu nhớ
ghé mua thơ ngẩn ngó em cười

cười đi cô nhỏ, ngời lá xanh
cười ngàn nét chữ bay long lanh
mưa mưa trái đất vàng hoe cúc
đan áo len vàng sợi nắng hanh

ơi cô hàng sách và mưa đông
mấy mùa thơ, hương giấy rướm hồng
nhờ em bày bán cho thành phố
bản quyền Trái Tim, có giữ giùm không?

Cước chú của bài Cô hàng sách chiều mưa Đà Nẵng:
(* ) Người bạn này đã thuộc và nhớ lại, chép lại giùm bài thơ này, sau hai mươi mấy năm.
Nhân đây, xin ghi rõ năm sáng tác dưới các bài thơ vốn được viết trước 1995. Ngoài ra, những bài viết trong khoảng 1994 – 1995 – 1996, xin được miễn ghi.
(Chú thích ngày 23 & 25. 03. 2005).




VỐN DĨ, NGÀN ĐỜI

tặng nghệ sĩ Vũ Nàng Trương (*)

nỗi đời với mắt xưa sau
thấy bao luồng ngược chạm nhau, xoáy cuồng
nón cời úp gió đầu truông
lốc tan, kết đọng mấy nguồn máu oan

rởn tim tích cũ kinh hoàng
lật mê nón, nắng mưa tràn ngàn năm
ai về thương nén nhang trầm
bóng người trên vách đăm đăm lặng nhìn

hòn máu tươi bẫm niềm tin!
tâm không, vô chấp hồn in xanh trời
mở lòng ra, rộng nẻo đời
cười cùng lẽ thật cõi người đảo điên.

Cước chú của bài Vốn dĩ, ngàn đời:
(*) Đây chỉ là cái tên mượn từ điển tích về Vũ Thị Thiệt, vợ một người lính thú đời Hậu Lê (bài “Đề miếu Nàng Trương” của Lê Thánh Tôn).
(Chú thích ngày 23. 03. 2005).




GẶP HUẾ Ở VÙNG ĐẤT THÁNG GIÊNG

kính tặng làng Kẻ Vạn, thành phố Huế

trời vùng cao xanh mặt nước sông Hương
bé ngủ ngon lành dưới lời ru rất Huế
câu hát mới trên môi người mẹ
cho anh gặp quê nhà giữa bát ngát Tây Nguyên

qua những ngọn đồi tháng giêng
bồi hồi ngắm hai dãy nhà
bên con đường đỏ nắng
(tháng năm nào như kiếp lục bình,
nổi trôi bên bờ sông rác rến!)
nghe mơ hồ giọng hát mênh mông

đôi mắt đen tròn, sáng ấm nhìn anh
vẫn màu mắt bình thường của Huế
(gặp người Huế nơi đây
có lạ chi mà mừng rỡ!)
nhưng anh công tác xa nhà, nên thấy quá thân thương

xanh ngời lời hát ru, xanh ngời mái tóc sông Hương
hoa dầu Tây Nguyên quay nghiêng vành nón Huế
giấc ngủ em thơ mơ sân trường mướt cỏ
đủ xanh ngời buổi sáng riêng anh

anh sẽ còn yêu mãi Tây Nguyên
bởi rừng hoang đã ngời xanh chất Huế!
bé thơ ơi, rẫy lúa vàng
bướm chở hương về nôi nhỏ
anh muốn giữ mãi nụ cười
trong đôi mắt giữa mùa ngô.

1979 – 1980



HÃY YÊN TÂM VỀ QUÊ

tặng nhóm thanh niên Ánh Sáng

cầm tay nhau trong buổi chia tay
cùng hát bài ca về ngày mai thương nhớ
chút đầm ấm đêm nay mặc gió lùa ngoài cửa
hoa rừng thơm vào kỉ niệm núi rừng

mai xa buôn làng về miền xuôi quê hương
sao tiếng hát trập trùng lũng sương đồi gió
xa ngọn suối về cùng bờ ao cũ
sao giọng thơ vỗ tràn chân dốc níu cầu mây

ba mùa mưa nơi đây
mấy lần lạc giữa núi rừng, mỏi mắt tìm ngọn khói
mấy lần khuỵu chân xanh lét đói
cơn sốt mấy lần quật ngã giữa tay nhau

ba mùa mưa diệu kì sâu thẳm rừng sâu
lớp học buôn làng nhen bùng tiếng hát
bắt nhịp bài ca, bừng run đôi môi thâm kịt
nhìn bé gái Kơ Ho (*)
vươn tiếng ca bay tới tương lai

ba mùa mưa gió bạt tiếng giảng bài
đứng ở phòng bên
nghe giọng bạn mình khản đặc
gió rét sững sờ nét bút
(ơi những khăn quàng
thắp nắng xua sương)

mai bạn về với quê hương
sao cứ bâng khuâng tháng ngày gian khổ ấy
rừng sáng dần lên và bao người còn ở lại
hãy yên tâm giao lớp cho bọn mình

mai bạn về, cứ đẹp mãi niềm tin
ơi trái tim người đi gieo ánh sáng
và thơm mãi bó hoa học trò lóng lánh
giọt nước mắt ơn thầy

nét bút giữa lòng người thắm thiết không phai
bao gian khổ đi qua, núi rừng còn in đậm
yên tâm về với quê cũ xiêu gầy
tiếng hát Kơ Ho mãi mãi cao bay!

1978 – 1979

Cước chú của bài Hãy yên tâm về quê:
(*) Đồng bào K’Hor, một nhân tộc ít người ở Lâm Đồng.





NGÔI NHÀ BÊN THUNG LŨNG SƯƠNG

từ một nơi xa xôi tôi trở về thành phố
con dốc cao, đồi cỏ mượt, nắng vàng
hoa!
hoa rung vào lòng bao thanh âm rạng rỡ
nghe hương mùa thơm trong lá thông
tôi lại về với nơi tôi thường nhớ
gió bồi hồi chiều ơi yêu thương

ngôi nhà bên thung lũng sương
chiều tháng tám, nắng đọng lại đằng sau khung cửa
lồng ngực rộn ràng, ngón tay khẽ gõ
(anh chị ơi,
anh chị ơi,
em đã về nhà)
và nắng ấm ùa ra…

tôi đứng ngẩn ngơ
giữa những nụ cười quây quần rất trẻ
siết chặt tay tôi
là những bàn tay tin yêu
nồng nhiệt thế
tôi biết nói gì, ân nghĩa ấy, bao la

dẫu giọng đọc đã khàn đi
sau hai mùa kháng chiến
ánh mắt vẫn trong ngần soi nắng xuống trang thơ
ta hòa vào nhau, tự mạch nguồn sâu thẳm
(ghềnh thác gian lao để sâu lắng lòng hồ)
tôi biết nói gì, ân nghĩa ấy, bao la

căn phòng đầy ắp tiếng thơ
vang vọng đêm rừng già thác đổ
vang vọng tiếng rơi thầm của máu
tiếng reo xanh bên đường phố, sớm mai
cả tiếng thở dài trong bóng tối, lẻ loi…

âm hưởng tự cõi người
cho mỗi trái tim rực đỏ
cho lòng ta bồi hồi
tôi biết nói gì?
thơ hãy nói giùm tôi!

và Đà Lạt ơi!
thành phố rất thân yêu!
mà cả cuộc đời tôi
sao nhận hết vào lòng bao thanh âm rạng rỡ
sao hiểu hết con dốc cao, ngọn đồi xanh mướt cỏ
sao nghe hết hương mùa thơm lá thông…
nếu chẳng đến với nơi xa thành phố –
ơi những tấm lòng
từ nguồn mạch yêu thương

nắng hừng đông
ấm lên trong ngôi nhà đó
khung cửa mở ra mọi phía chân trời
tôi lại đến với nơi tôi vẫn ở
chào thung lũng sương long lanh sớm mai.

1980 – 1982



KHÚC VÀO MÙA

rất vàng là nắng Tân Rai
chạm vào nhánh lá tràn vai nắng vàng

vác cây xà gạt, thênh thang
bàn chân lội nắng nắng loang lối rừng
mùa mưa đã tới sau lưng
mà vàng cái nắng là mừng cái nương
(ngày mai thóc chảy về buôn
như con lũ nắng trên đường đang đi)
chồi lên kín rẫy xanh rì
phát mau ta phát sá gì, nắng đun
mau bùng lửa, phơi tro mun
mưa tra hạt, mầm xanh phun, rộng dài

rất vàng là nắng Tân Rai
ngày mai gùi nặng đầy vai nắng vàng.

1978 – 1979



DỐC “MẠ ƠI”

tặng các cô Thanh niên Xung phong
thành phố Huế đã có công khai canh
làng Hương Lâm, Lâm Đồng.

ngang qua đỉnh dốc Mạ Ơi
nghe tươi trong tiếng gió vời vợi reo

năm nào, vách núi cheo leo
bủa quanh em, mây rừng treo, gai dày
mưa trôi giọt lệ chảy dài
khóc dưới núi này, em gọi: Mạ ơi!

Mạ ơi! đồng đội nghe rồi
tựa vai nhau vượt đỉnh trời, buốt tê
phát cây, xe lối, mù che
ánh trăng lòng mẹ, bạn bè soi thêm

dốc dài đá thủng gót mềm
lại nâng từng bước chân em vào đời

Mạ Ơi – dốc có tên rồi
tiếng yêu thương giữa lưng trời, âm vang
hóa hừng đông sáng xóm làng
là cửa ngõ, bay hương ngàn, nắng khơi

dẫu qua bao núi bao đồi
nâng lòng nhau – tiếng Mạ ơi năm nào
dốc dù vơi cạn trôi hao
tiếng yêu thương mãi ngân vào mùa xanh.

1980 – 1981



HOA DẠI VÀ BÃO TÁP
TRÊN ĐẤT NƯỚC
MỘT TRĂM BA MƯƠI NĂM ĐÁNH GIẶC

nào tài hoa như Xuân Hương
không Kiều, vẫn nặng vết thương nỗi đời
ba lần bão xé phận người
khóc từng bến nước trong vơi đục đầy

đâu rồi áo lụa, trắng bay
giọng Hà Thành, cặp hồng tay, nắng vàng

tuổi hai mươi phủ màu tang –
mìn nổ tung, máu đỏ tràn lòng nhau! –
ngỡ chết bên bờ huyệt sâu
chiếc thai ba tháng biết đau đến giờ

đâu rồi phấn bảng, học trò
nhìn con lẫm chẫm bi bô, khóc òa

nghe con tập gọi tiếng cha
niềm di cư lạnh diết da phố phường
người tìm đến, yêu và thương
Tha La Xóm Đạo, mắt buồn huyền thêm

tù tàn binh, bão rừng đêm
chết mòn, xót vợ con thèm hạt cơm!

Nha Trang, vực mặn tối om
đêm khuya cú rúc chiều hôm biển nhòa
đành làm vợ lẽ người ta
cho con nương tựa, tìm xa xứ buồn

vỉa hè, lều chợ, bán buôn
đời chưa yên, ngất ngơ buông tâm mình!

thời cấm vận, thân lục bình
quẩn quanh đen đúa dòng kinh đen hồn
bão đời xô đẩy dập dồn
thành chai đá giữa chồng con ơ hờ

đâu rồi áo lụa nón thơ
tóc thề chung thủy bây giờ nơi đâu

Cà Mau, tàn dại úa nhàu
không làm Kiều vẫn thấm đau nỗi đời –
Xuân Hương khóc bằng tiếng cười
nước non chìm nổi, tim trôi, xoáy lòng

đâu rồi trang vở trắng trong
bão đen xối mực trên dòng lũ đen

nhìn con, mong ngày nắng lên…
mẹ già quằn quại khóc trên xứ người…
Đắc K’Rông! Vách trắng chân trời
bệnh phiền, nước mắt không rơi,
gọi thầm…



GẶP NGƯỜI QUEN Ở KON TUM,
NGHE CHUYỆN

ngày mai rồi sẽ ra sao
thôi thì đi được phương nào thì đi
làng cha đất tổ, buồn gì
phận nghèo rác rưởi sá chi. Bước liều…

… em xiêu giạt, anh giạt xiêu
cô đêm chái lạnh ngày thiêu vỉa hè
thím ở đợ, tỉnh trong mê
bạn từ rừng sốt trốn về giả điên

chiến tranh, bom đạn ngả nghiêng
thời cấm vận – cái khổ nghiền dưới chân
thương nhau còn phải thương thân
sợ lo sầu hận ruỗng dần thịt xương

nỗi sa sút hóa buông tuồng
khi bụi đắng lúc tượng buồn, mồ côi
gió lùa bụng trống, cầm hơi
giúp nhau, ruột thịt chân trời long đong

chồng chết bệnh, bèo ngược dòng
phận con rơi lại dắt bồng con rơi
ráo khô đôi mắt với đời
mẹ con chỉ thật là người với nhau!

bơ vơ, giờ được đỡ đầu
lòng quê đất mới xanh màu rẫy non
hai mươi tuổi ngập tủi hờn
dù sao, rốn cắt nhau chôn luống cày…

… nuôi chăng… tháng trắng, ngửa tay
niềm đau thăm thẳm giờ đây cao vời
ngỡ cay cực suốt kiếp người
bao nhiêu năm nhục, nay cười nhẹ mây

thôi nhé, đời còn cơ may
can chi mà khóc tháng ngày đã qua
mẹ thương Quảng Ngãi quê cha
con thương quê mẹ lên ba buồn rồi

đừng quên. Quên sẽ chơi vơi
mãi nuôi khát vọng làm người. Đừng quên
trăm năm mất nước, bừng lên…
non sông chia cắt…
Lá hoen, nắng òa…

làng xanh mùa mới, trông ra…



RỪNG TRĂNG

khuya trăng mùa cũ vô ngần biếc
nghe từ thăm thẳm giọng ru hời
gió buốt giạt gần xa thác réo
chim gì kêu vun vút tiếng roi

mọt nghiến thanh giường, rền rất bệnh
nỗi niềm sốt rét chưa đành ghi
hăm hở cày sách và cuốc đất
đôi đêm nằm thèm giấc ngủ khì

thuốc rê giấy bổi họng đắng khét
đắp tấm chăn rách vá, ngó trời
y hệt mối đùn thân đàn đá
hóa nấm mồ, nhang lập lòe ngời

thống nhất mới lên xanh thấy vượn
thú hú buồn thơ hú được đâu
hỡi ơi, trồng tóc tiên thạch thảo –
hoa cằn, sợi mượt ai cạo đầu?

thầy giáo ở rừng thành cán bộ
chốn chiến khu súng chẳng cầm tay
cá suối gay bắt dù đóng khố
lá rau lưng lửng bước say bay

toan sống lang bang lính bỏ ngũ
làm thằng thi sĩ sầu điên mê?
nhưng lẽ chi đầu hàng cơ cực?
quỳ hôn bóng mình in lòng khe?!

học mót tiếng Thượng đọc sách Mẽo
với học trò tuần bốn giờ gào
dẫu biết không mình thì kẻ khác
rừng đói cơm còn đói chữ sao!

cảm ơn người anh hùng lãng mạn
lay trái tim bằng ước mơ hồng
– thư viện xây trên đồi độc lập
điện sáng rừng – hào sảng cười ngông

cao nguyên một thuở trăng lộng ngát
sương móc rơi lạnh vỡ quanh nhà
thiếp mê hoảng đuối trước ghềnh xoáy
bật cười, tự nguyền rủa. Nắng òa.




HÁT TẶNG BÀI TÌNH YÊU MỚI

sớm mai nào cũng đi qua sông
từ bờ thương đi qua bờ nhớ
như điệu lí phù sa, xanh mượt mà làn quan họ
câu mái nhì nhịp nhàng bắc cong bao nhịp thơ

tấm tình ai trong biếc dòng Hương, xanh mơ
thường dừng chân ôm vai cầu thầm hát
mà thương câu hò có giọt nước mắt
rơi vào nón ngả ra trông cầu

bạn ơi, ta cầm lấy tay nhau
xôn xao nồng nàn với Huế
ở đất đa tình này ai chả thế
đưa mái đẩy vào lòng nước non

tội tình ngoại xưa khóc dưới cửa quan (*)
trả sưu thuế bằng thời con gái
xé nát câu hò: tình là cơm nguội chờ lòng đói
tủi thân ngồi trông dòng nước về đâu

khi về làng cha, mẹ khóc ướt ngọn trầu
nhìn xóm làng, rồi lòng cứ ngỡ
đeo kiềng cưới, vướng câu hò:
có chồng như gông đeo cổ
cha đi, chút niềm riêng cho đời con

mưa đầm tình mẹ bao nhiêu năm
không yên thân trong thời máu lửa
trái tim ngóng chồng dao cứa (**)
nước mắt chảy ngược vào lòng!

thì trong nắng bao la ta yêu hồng hào hơn
sớm nay qua cầu với gió mùa mới mẻ
cầm lấy tay nhau can chi mắc cỡ
gửi bóng ta về dòng nước trẻ trung

đò về từ đất mới từ nương rẫy mỡ màng
bắp ngô hé nụ cười xinh quá
da đỗ nắng hun đen sao lòng xanh thế
ăm ắp khoang và no mắt hân hoan

bạn có trông thấy đằng xa kia không
ngọn khói lò vôi và nắng ấm
như là mây, mây lên từ ước mơ, khỏe khoắn
đang tụ mưa xuống đời cơn mưa rất xanh

sông căng lụa, lụa trải lên khung
nắng thêu xuống mấy vài cầu, bóng mây, cây trái
mũi kim ai nhìn ta cười hấp háy
tia mặt trời trong bàn tay chồi non

tình ta xanh đồi núi xanh thông
thì thưa với mẹ cha:
ta ưa rót rượu vào nắng hạ
hoa quả Kim Long trầu cau Nam Phổ
cưới Nhật Lệ về cho xanh thêm dòng Hương

ta sẽ đưa nhau về một ngôi trường
với dãy nhà chung trên bãi xưa mìn trái
đã sạch làu thép gai chờm cỏ dại
cỏ xanh vươn tầng gác ngó ra sông

yêu trời cao cho trời cao cao xanh
thì thưa với bà con họ hàng đừng sốt ruột
góp nhành hoa giữa vườn hoa hạnh phúc
dắt nhau đi trên đường Huế đi lên

ta sẽ vun xanh thêm chồi xanh
bằng đất đai và ánh sáng
– bằng bảng đen và phấn trắng –
sống mãi với học trò tiếng hát nắng lên

ta càng thương càng thương nhau hơn
thương tâm hồn hoa lau dài tóc trắng
quý những bé con tung tăng
quàng khăn đỏ thắm
(đôi khi thèm bé lại để ngày sau khôn hơn!)

ta có nhau dưới trời yêu thương
thường tình ngoại xưa, uất ức
thương tình mẹ cha ta, khao khát
không đứt rời như nước chảy xuôi dòng

sớm mai nào cũng qua sông
gió xáo lên bao niềm yêu thương cũ!
tình yêu –
bầy chim chiều thì bay về tổ
học trò và ta
đến trường
ríu rít mỗi ban mai.

1976

Cước chú của bài “Hát tặng bài tình yêu mới”:
(*) Đây là một bài thơ tôi nhập thân để viết tặng những ai có hoàn cảnh gia đình như thế, trong 21 năm chia cắt đất nước (1954 – 1975). Nhập thân (hay còn gọi là biểu hiện bằng tự biểu hiện, như Nguyễn Du biểu hiện tâm trạng nhân vật của mình trong “Truyện Kiều”, Nguyễn Nhược Pháp biểu hiện tâm trạng cô bé đi chùa Hương, Xuân Diệu biểu hiện lời kĩ nữ…), vốn là thủ pháp tôi nhiều lần sử dụng, với quan niệm về sứ mệnh của người làm thơ là viết thay cho nhiều người, chứ không chăm chắm thể hiện cái tôi của bản thân.
(Chú thích ngày 24. 03. 2005).
(**) Nguyên văn hai câu này đã đăng ở tuần báo Văn Nghệ Giải Phóng, 1977:
“không yên thân trong tầm mắt cú
nhận xác ai là chồng, rồi lên phường khai tử”
Với quan điểm nhân bản và toàn cục, ai cũng thấy bất kì thời nào, nơi đâu trên thế giới, ở mọi miền đất, cũng đều diễn ra bi kịch loại này!
(Chú thích ngày 24. 03. 2005)




ĐẤT GỌI THẦM

Đà Lạt, tiếng gọi thầm
cháy lòng tôi thuở nhỏ
diều bứt dây theo gió
mơ bay về cao nguyên

ơi cao nguyên cao nguyên
rạo rực trong giọng hát
đến trường trên khuôn nhạc
dấu chân vang bổng trầm!

phố núi suốt trăm năm
thông xanh lòng vút thẳng
gương mặt Xuân Hương sáng
trong sương mù uy nghiêm

Đà Lạt, mẹ và em
cây mướt xanh quả đỏ
qua một thời giông gió
mùa hoa bừng nắng lên

phố núi gọi người lên
Huế xanh triền đất mới
thắm một vùng Hà Nội
ấm vòng tay Lâm Đồng

em bé Huế má hồng
như được thơm suốt buổi
bếp lửa người Hà Nội
reo tiếng ngo Lâm Đồng

đồi tiếp đồi, mênh mông
cây nối cây, xanh ngắt
hoa chè lâng hương ngát
cà phê trắng ngọt nương

ơi cao nguyên biếc sương
khoai ủ vàng nắng mật
sú lơ như bọt thác
vườn bừng sôi rượu tăm

Tây Nguyên, tiếng gọi thầm
dẫu hôm nay đã đến
mai nào không xao xuyến
ngày nào không khởi công!

1978



HÁT LÙA BÒ VÔ BƯNG

sớm mai vác cuốc vô bưng
vui vui ta hát trên lưng bò vàng
đương nhiên rạng nắng sương tan
mát lòng ta vẫn hân hoan tối ngày

cuốc ta lấn đất đầm lầy
bò ta ơi cứ nhai đầy cỏ non
ăn no trĩu sữa dày con
cuốc chăm lật đất sáng hơn trăng rằm

bò no nặng bụng cứ nằm
đừng mê dạo cảnh lún đầm bò ơi
mốt mai đồng rộng chân trời
máy reo cỏ ngọt bò ơi xanh tràn

tha hồ bò nhé, thênh thang…

1976



CÔ GÁI ĐẸP ƠI,
XIN ĐÀNH VÔ TÂM YÊU EM…

I
em xinh đẹp cho mắt tôi thảng thốt
sao quá rỗng không đến mức lạ kì
nhan sắc ấy từ lâu em có được
cũng nhờ trời thì hợm hĩnh làm chi!

giá trời đất chỉ cho em đôi nét
những nét kia ngời trí tuệ riêng mình
và thơm thảo đoan trang dịu dàng tính nết
trong tầm tay như hoa trái lung linh

cần cái xấu để tôn lên vẻ đẹp?
(sự tàn nhẫn của nhị-nguyên-vật-chất,
ôi cõi nhân sinh!)
phải chăng luân hồi – công bằng của Phật –
thượng đế trừng phạt loài người và chịu đóng đinh?

sao tôi vẫn một đời mê muội
mãi ngẩn ngơ trước vẻ đẹp tự trời…
phải chăng, nếu vô thần đến tận cùng ý nghĩ
cả loài người sẽ tự sát?
Em ơi!

dẫu biết là không. Đời vẫn vậy. Và bao tật nguyền
khủng khiếp chẳng cách nào cứu chữa
xót thương nhau chỉ xoa dịu lòng mình?
tôi vô tư đến vô tâm để sống
sống giữa đời, trơ thế, cũng kinh!

nên càng yêu em tôi càng muốn khóc
em tốt tươi như hoa cỏ vô tình
tôi trìu mến bao hồn sâu thẳm
để đêm đêm chỉ khát đóa môi xinh!

II
trước những nỗi đau hình hài,
thả buông,
tôi nghe có điều chi rạn vỡ tan tành
có phải loài người khát vọng Siêu Nhiên
để khẩn cầu và nguyền rủa!
ngờm ngợp hư vô ghê rợn quá
níu vào đâu giữa thảm khốc vô bờ?

chẳng lẽ tôi yêu em, cái đẹp ngu ngơ?
dẫu đập vỡ hư vô: Không có gì tan mất!
tiếng ngọc Trương Chi qua nàng Dạ Xoa
quá đẹp cõi đời! Còn em, cạn trơ nhan sắc?

ôi tiếng cười, nước mắt
về niềm băn khoăn thường tình.
Lòng xanh trẻ thơ.



TRĂNG Ở NHÀ THƯƠNG

mây ơi trời còn thênh thang
khéo bay cho nhé
đừng choàng bóng đêm
đen lên giấc mộng êm đềm
người điên đang thoát ra thềm
với trăng.



NHÌN RA ĐƯỜNG PHỐ

máu hồng thủy từ đâu ngập cả Tiền Đường
những đóa Kiều đắm chìm đang vút lên bừng sáng
từ giọng hát khổ đau
sớm nay
giữa lòng phố nắng
nắng đỏ lòa mặn đắng mắt tôi?

máu hồng thủy từ đâu ngập bát cơm ôi
người mù quờ tay run rẩy
từ màu áo cô dâu chói lên lộng lẫy
xe hoa lướt bên ai lê lết thều thào

máu hồng thủy ngập lút niềm tin xót đau
tình yêu cuộc đời trong mắt trẻ
máu hồng thủy sớm nay tang thương
và rực rỡ thế
chảy tràn ướt đẫm môi cười!

máu hồng thủy trào dâng lụt đời
từ mỗi người cho mỗi người sống lại
Chúa sai lầm vẫn sai lầm, có phải
sai vườn trái cấm! sai thuyền Nô-ê!

tội tổ tông truyền
máu vượn bừng mê
sôi dòng đời Tiền Đường
lặn hụp bao tâm hồn đang lễ rửa?
Chúa ban Tự Do – Tội Lỗi – Lời Hứa
Giê-su cũng thấm thía kiếp người!

ôi Giê-su, cứu rỗi bằng Tình Thương,
Phán Xử Cuối Cùng!
và Khát Vọng Phục Sinh! (*) Tôi tin vào Mồ Hôi
Chất Xám và Thơ cao hơn cỏ cây và thú
máu hồng thủy cuốn phăng
nọc tanh rắn dữ
trong tim em tim tôi trôi theo Tiền Đường.

Cước chú của bài “Nhìn ra đường phố”:
(*) Xin xem thêm tiểu thuyết “Mùa hè bên sông” (Nỗi đau hậu chiến), các bản 1997, 2001 & 2003.
(Chú thích ngày 25. 03. 2005).




NỤ CƯỜI ƯỚT MƯA SAU DỐC ”MẠ ƠI”

cổ thụ chết đứng lau tre quắt
rừng già còn ngấm chất da cam
tứ thơ sao để trơ và trụi
mưa xối hồn ào ạt thét gầm

lá rụng ngàn năm đất tơi xốp
mưa nhào dẻo quánh dọc triền sông
sên vắt nhảy búng xuyên vào ngực
tim hoài rỉ máu, thác ghềnh hồng

thác ghềnh ghềnh thác chảy xé đá
bom xô trái núi suối lệch nghiêng
mấy mùa mưa dội lên trang sách
thì đọc nỗi đời trong mắt hiền

mưa xanh rừng lửa, mưa làng mới
sũng mũ-tập-kết, nón bài thơ
già nua bủng và con gái bẫm
bầm cuồng si ngố, beo giáo khờ

mưa chiến khu thời-chưa-hậu-chiến
trạm xá lán tranh sắp lớp nằm
mưa kháng chiến chống rách và đói
cấm vận, giặc phương bắc, tây nam!

mưa bom mưa truyền đơn, thuốc độc
tuổi nhỏ nhìn bay đặc góc trời
và mưa. Mười lăm năm ngẫm lại
ơn Nụ Cười sau dốc nghẹn ”Mạ Ơi”.




PHÁC THẢO BÊN BỜ XUÂN HƯƠNG

sóng đan nắng đan dọc ngang
rộng trải mênh mông tấm chiếu…
lẻ loi thuyền lá nâu vàng
lưới kéo đỏ một dải voan…

ai như cô bé hoạt hình
rơi vào chiếc giày cổ tích…
khăn màu đất hồng lung linh…
trên giấy ô li bình minh

cơ hồ chú nhóc mê đời
ra thủy tạ ngồi sưởi nắng
bóng ngã lên manh chiếu ngời:
sóng vổ mơ màng giấc tôi

bóng ngã trên trang hừng đông
gối đầu cánh lá óng ánh
dập xóa ảo thực ngợp lòng…
(ai có đánh lưới tôi không?)

toan sáng nay dệt xong rồi
xin lưới ai vào tranh nhé
bầy sói xa xăm xa xôi…
hát lên nàng tiên cá ơi…




THOÁNG MỘT MÌNH LÔNG BÔNG
GIỮA BẠN BÈ ĐÀ LẠT

gió khơi vơi phố mây trôi
hương con gái núi, ngát trời hoa hương
sớm leo dốc cõi thiên đường
nắng thơm lụa mát khói sương ấm dần

dăm người xứ Thượng thánh thần
đen tượng trầm mọng vú trần nguyên sơ
nhớ mẹ hòa bình Âu Cơ
trứng trăm lẻ một bây giờ nở tôi

bàn trống đồng, trà lọc, rơi
mưa xưa thả hạt nghe vời vợi vang
tôi khuất chìm rừng ba dan
suốt nghìn năm, nay say đàn đá em

(các em ngọt bốn sắc kem
từ trăm miền tới, tuyệt thêm nẻo trời
gót hồng du học, rong chơi
mắt ai trinh nữ vạn nơi in vào!)

bồng lai bồng bềnh trên cao
văn minh miền hạ ồn ào trĩu tim
cỏ hồng ru thiếp lim dim
tiên bác sĩ Kơ Ho tìm tôi không?

ngân hà thơ vẫn lông bông
thuở nào sao chẳng bắt chồng là tôi
vì đời, Trời ngoại tình Đời!
ta phàm, trót lạc nhau rồi, buồn ơi

thương bao kinh sách xa xôi
chia dòng, khác tiếng! con rơi, đâu nhà!
khác, chia, càng khác màu da
cha đâu? trìu mến gọi cha xanh trời!

chuyện Trời của Đất đó thôi
em rất tiên trong thơ tôi rất tình
vẽ duyên giòn bồ quân xinh
cưỡi đĩa băng, khắp nước mình, giọng nâu!




LẬP XUÂN

gió cao nguyên về chơi đây?
thoảng heo may rét ngọt ngày hanh se
cuối năm vàng buốt nắng hè
áo khoác bay, len ven lề màu hoa

lập xuân? hôm nay, chiều qua?
hay sớm nào thơm chút quà thiên nhiên?
cho Sài Gòn rất cao nguyên
tháng chạp chưa, đào đang giêng hai hồng?

phố mai này có say không?
đôi môi ngỡ chạm hừng đông Tết rồi
anh thèm hôn cả đất trời
Sài Gòn nhẹ bổng cao vời cao xanh!

ơi cao nguyên ở trong anh
thoang thoảng lạnh đã ngát quanh mắt nhìn
lâng lâng thử dễ yêu tin
ai lụa đào, ngỡ lấp ló vin hoa đào!



THĂM NGƯỜI BẠN LỚN TUỔI

chiều hôm lên núi cao
tìm gọi thân quen nào
bóng thông đêm thêm đậm
bừng thắp nhấp nhánh sao

bao nhiêu năm, chiêm bao!
mừng giọng chưa khô khao
đồi vắng, đèn vàng úa
nhòa lu cho nơi nao?

gió lạnh vắng xôn xao
rượu thịt xa sôi trào
bạn và tôi cười ngất:
bớt tanh đời, lao đao!

thơ đắng cay, ngọt ngào
chút lòng hoài giảng rao…
xách trĩu như tay nãi…
thầy ơi, xin cúi chào!

phố mây thôi gầy hao
sông trời đâu tiêu dao
thơ ta còn dấn bước
ngủ trong sóng lao nhao.



EM KHẮP ĐẤT TRỜI

ngỡ về với núi và mây
sương bờ suối, rượu ngút say trăng rừng
quanh em hoa nở bập bùng
ngát trăm sắc lụa giữa mung lung trời

nhưng một tôi thầm lặng đời
bước rong ruổi rất rong chơi, miệt mài
em thoang thoảng thoáng hương lài
đường xa, vẳng hát rộng dài ngày đêm

tưởng ai xóm thợ khói lem…
heo may gió, tóc xanh thêm, ngấn bùn…
mực rưng đầu ngọn bút cùn
bóng em lóng lánh ngời, hun hút nhòa

xanh xưa giờ chấp chới hoa
điện ven lối nhớ thắp qua nẻo nào
trôi trôi biêng biếc ngọt ngào
em nơi nơi, man mác, xao xuyến và…



NHÀ ƠI

I
trái tim ra sao trong ngực
cứ thôi thúc anh bay bổng những phương xa
lạc sương tím và phiêu lưu gió biếc
lại thầm ru khi mỏi bước về nhà

ngày xưa, anh đoán là chim trời rộng
bị giam cầm lồng chật, buồn rầu
như thân phận con người, lóng ngóng
rất thèm bay nhưng chẳng biết tới đâu!

ơi trái tim, hóa chú chim từ lâu đã mến
theo tiếng sáo liệng bay, bay lả bay la
bay nhảy bên anh, líu lo lảnh lót
mắt trải đời vẫn lóng lánh lá hoa

trái tim vất vả, già nua
để hồn nhiên, thơ dại
ríu rít ngân vang và thích lang thang
mai sau,
anh còn khung lồng xương trắng
dưới đất đen, nghe thánh thót mênh mang


II

nhà ta ở Sài Gòn
lại giống lồng chim thoáng đãng
anh cũng loài chim thôi!
thênh thênh cùng non nước
cần mẫn rong chơi, nhưng nào phải rong chơi

sông đỏ, biển xanh,
đồi hồi, rừng đước
bao giấc trọ say, đường dài xa xôi
bay bay về em –
căn nhà đích thực
hát mê: Nhà ơi!



NHỮNG KỈ NIỆM VĂN NGHỆ

Dưới đây là các trích đoạn những bài báo mang đậm dấu ấn cảm nhận riêng của các anh em văn nghệ. Là tác giả của các tập thơ được giới thiệu, đánh giá, tôi chỉ thích mình như một độc giả, trước những bài báo này, kể cả những bài tựa, bạt. Chỉ thế, bởi lẽ, xưa nay, thẩm thức vốn có tiêu chí, chuẩn mực khách quan, nhưng cũng thật vô cùng, và lắm chủ quan bất ngờ! Trích in lại những bài báo viết riêng về thơ tôi, ở đây, trước hết, để bày tỏ niềm cảm ơn đối với những tấm lòng thơ ca ấy, và hơn nữa, là sự lưu giữ, trân trọng kỉ niệm văn nghệ…

I. Mưa nắng của đồng quê

… Trần Xuân An làm thơ về mẹ, về vợ, cho con, cho những người thân mà Trần Xuân An mang ơn như chính cuộc đời… Ai đó, người Quảng Trị đi xa, được cầm trên tay tập thơ của Trần Xuân An sẽ nghe lòng hoài vọng về xứ sở mình, về cái làng Kẻ Diên, nghèo khó, trơ vơ xương rồng cát trắng, và sẽ thấy ngay trong những bài thơ chỉ khắc họa bóng dáng Kẻ Diên, ngọn nguồn Thạch Hãn, vẫn là dáng dấp quê nhà Quảng Trị, Miền Trung với bao ngày mưa tháng nắng, bao chớp bể mưa nguồn. Đọc, và bâng khuâng thương nhớ, bởi lẽ, đi đâu, ở đâu, không riêng gì Trần Xuân An, ai trong chúng ta cũng đau đáu về mái tóc sương mẹ già xế bóng, canh cánh một quê nghèo lặn lội suốt tháng năm, đeo đẳng cùng kí ức những kỉ niệm tuổi thơ, những buồn vui bao kiếp người ở một nơi xứ vốn chịu quá nhiều khốc liệt của chiến tranh…, giữa nghiệt ngã dòng đời và thử thách của số phận. Trong mạch nguồn liên cảm ấy, “Nắng và mưa” của Trần Xuân An là cây xương rồng Kẻ Diên trên khô cằn nắng hạn, giữa trùng điệp sa ngàn, vẫn lặng lẽ cho đời một đóa tinh khôi muốt trắng…

(LÊ ĐỨC DỤC
báo Quảng Trị,
số 99, 25. 05. 1991)

II. Một bài thơ thao thức nỗi quê nhà

… Sống ở Kẻ Diên hay dạy học ở Tây Nguyên, rồi vào sinh sống tại Sài Gòn… Trần Xuân An vẫn hoài vọng tìm kiếm một chất đời tinh hoa cho kiếp thi sĩ. Thơ anh là nỗi đau dịu ngọt của sự tha hương và nhập thế, là niềm tin thảng thốt giữa hiện thực và tương lai, là lời tạ ơn, sám hối với cõi quê nhà cùng trời rộng…
… “Tóc bay sương trắng” là một ài thơ anh viết về cõi quê nhà trên nền phương trời lưu lạc của đứa con trai mười bảy tuổi…
… Giọng thơ Trần Xuân An tinh khiết, huyền ảo…
… Đó chỉ là tượng trưng của một thế giới nội tâm, của nhân cách con người, là bất chợt lóe sáng trong thường trực của một tâm trạng…
… Nỗi lòng cố hương của Trần Xuân An sao mà lo âu khắc khổ. Anh thương Mẹ, thương quê đến đau đáu mà bi quan. Cái bi quan quý báu, da diết mà không làm tàn lụi hi vọng, chỉ với thân phận thi sĩ, mới nắm bắt và thể hiện được, đâu phải dễ dàng đơn giản gì?
Viết về Mẹ và Quê hương, đó là đề tài và trách nhiệm cao cả của thi sĩ muôn đời. Viết được như Trần Xuân An, là vơi đi niềm ân hận – cái ân hận của phận làm con khi phải đi xa nơi mình tôn thờ và hằng tưởng niệm.
“Tóc bay sương trắng”, đó chính là Mẹ và Quê hương Quảng Trị, dù có đi xa, đời đời đầu còn ngoảnh lại. Một vùng quê nắng chát mưa cay sao mà yêu đến thế, thương đến thế!

(NGUYỄN TIẾN ĐẠT
báo Quảng Trị
03. 1994)

III. Bao giờ mơ cỏ thành hoa

… Buổi trưa yên tĩnh, dưới tàn cây trứng cá nhà mình, tôi thú vị vì những bài thơ đọc được. Tháng mười hai, trời cuối năm vốn dễ làm con người bâng khuâng, vậy mà: … “Bao giờ đá cuội làm tim, Để tôi hờ hững như em bây giờ… … Bao giờ mơ cỏ thành hoa, Cho em biết khổ để mà thương tôi…” (“Bao giờ”) – cú chơi ngược ý từ ca dao “Bao giờ rau diếp làm đình, Gỗ lim ăn ghém “cho mình thương ta”…
… Tôi bỗng nghĩ về cô gái không có chân dung ấy. Cô là ai mà sự hờ hững dửng dưng khiến người đàn ông ấy phải kêu lên tiếng kêu oán trách nhưng vẫn dịu dàng, lặng lẽ nhưng đầy đau đớn…? … “Chiếc nón ngà trên vai Nguyên Ngân, Vầng trăng xưa che nghiêng thì thầm… … Loanh quanh chim bay rừng vạn cổ, Bỏ không lồng ngực mưa ngàn dâng, Trôi đi, trôi đi, về châu thổ, Hương tàn phai lá mục đầy lòng… (“Nguyên Ngân”). Một cách nói tượng trưng, hỗn độn, không thời gian, không gian nhưng vẫn rất thơ, vẫn đọng lại cái gì đó để cảm được. Thơ không chỉ để hiểu, có khi cũng chẳng cần hiểu…
Tập thơ 86 bài hầu hết là thơ lục bát. Có lẽ Trần Xuân An thích thể thơ rất Việt Nam này. Thực sự không phải bài nào cũng hay nhưng bài nào cũng có thể nhặt ra được một vài câu gợi cảm: Nắng mê thiêm thiếp giấc trưa, Nắng vàng kí ức, khế mưa tím lòng… (“Sài Gòn, trưa đi lạc”).
Thế rồi trong cái gam màu trữ tình của những bài thơ tình lục bát, đột ngột có một cú nhập đồng kì dị: Ngày trầm hương thơ ca… … Những hình ảnh lấp lánh ngũ sắc xen kẽ với những lời lầm thầm lạ lùng: Thương thơ vùi đắng, hồn trơ đá…
… In đậm vào thơ anh là dấu ấn của một miền đất quê nhà. Thơ anh còn là hình ảnh của một miền quê chung…

(ĐỖ TRUNG QUÂN
báo Tuổi Trẻ, TP. HCM.,
số 145/92, ngày 10.12.1992)

IV. Trần Xuân An hát chiêu hồn…

… Trần Xuân An tự biểu lộ một con người trữ tình, luôn biết rung động và đầy cảm xúc trước thiên nhiên, khi hoài niệm, với bao tình tự ngập tràn, xốn xang. Qua bao tháng ngày lưu lạc, tâm thức lãng mạn trong anh càng cháy bùng rồi với bao trăn trở, nó đọng lại thành những suy niệm mang chút dáng dấp tâm linh…
… Nỗi nhớ của anh cứ bàng bạc khắp lời thơ, nó cuồn cuộn với hoài niệm, với tình quê để làm nên bản chất trữ tình của anh. Khám phá thơ anh chính là khám phá bản chất ấy…
… Người đọc nhận ra dáng dấp, khuôn mặt của một người đã trải qua những ưu tư, trăn trở…
… Có thể hiểu đó là những giây phút lắng lòng để tự phản tỉnh, để tra hỏi, để tìm về cái ngã sau khi thả hồn chơi vơi trong nhiều thế giới. Và bi kịch bản thân đến với anh từ đó…
… Anh đã từng chập chững giữa hai biên giới: ”Lòng tôi hồ điệp thoảng trầm vô vi, Là người, là bướm từng khi…” Để rồi anh kêu lên thảng thốt: Cho tôi sống lại với đời! Và khi anh trở lại với đời, anh cảm nhìn mình là một kẻ xa lạ.
… Một người như thế làm sao không khỏi buồn cô độc… … Và cứ thế, hình ảnh cuối cùng mỗi khi ta nhìn về Trần Xuân An vẫn là cái hình ảnh chông chênh trong cuộc đời của một kẻ đi tìm chính mình sau bước đường lưu lạc…

(NGUYỄN PHÚ YÊN
báo Vũng Tàu Chủ Nhật,
số 94, ngày 14. 02. 1993)

V. “Tôi vẫn ở trên đường”, lặng lẽ một nụ cười

… Như một hành giả mải miết trên đường, khát khao những bến bờ tin yêu của niềm vui và hạnh phúc, anh luôn cố vượt qua chính mình, vượt qua nỗi đau và bao niềm trầm uất, khắc khoải. Anh vọng về “một thuở xa xăm”, về một cõi vô biên, mơ hồ, xa vắng. Anh hướng về phía “chân trời yêu thương”, bồi hồi hi vọng. tất cả những thể nghiệm tâm hồn ấy, phải chăng, với anh, là để quên đi bao đắng cay và giông bão giữa cuộc đời thường… Nụ cười lặng lẽ tin yêu ấy, cùng những khát khao tìm kiếm lời giải đáp cho những câu hỏi của thế giới nội tâm và tâm linh sâu thẳm, đã cuốn hút để Trần Xuân An không còn quá bận tâm về câu chữ, khiến thơ anh vì thế hầu như có một chất giọng riêng…… “Tôi vẫn ở trên đường” mở ra trước chúng ta những trang nhật kí thơ của một tâm hồn mẫn cảm. Tâm hồn ấy khát khao hòa nhập nhưng chưa thể hội nhập trọn vẹn với đời, vẫn còn có chút nỗi riêng nào đó u uất buồn phiền như của Tam Lư Đại Phu Khuất Nguyên hay chút cười cợt, khinh bạc, chua chát, xót xa như của Lỗ Tấn. Và phải chăng, có những nghịch lí nào trong tâm thức anh cũng là điều dễ hiểu thôi, một khi, Trần Xuân An quá thiết tha yêu mến cuộc đời và đồng thời lại thiết tha cái Vô Cùng, Vĩnh Cửu.
… Dù sao cũng mừng là sau tất cả mặn, đắng, chua, cay, vẫn còn vẹn nguyên: “Niềm tin yêu vào Con Người, khát vọng làm người, Thiêng liêng hơn ngàn thiêng liêng khác”…

(CAO QUẢNG VĂN
báo Người Lao Động TP. HCM.,
số 137, ngày 17 – 24. 09. 1993)

VI. Kẻ bị ném vào bão

Những năm gần đây, với cơ chế thị trường, sáng tác văn học đã tạo được dung mạo mới mẻ với sự xuất hiện ngày càng nhiều tác phẩm của nhiều tác giả. Tính tích cự của hiện tượng này ở chỗ người đọc có thể phát hiện những giọng điệu mới, những phong cách đa dạng của văn học hiện đại. Và cũng chính từ trong bối cảnh này, những khuôn mặt trẻ xuất hiện mang theo cả ngôn ngữ và hơi thở của mình. Trong số họ, có thể kể đến nhà thơ trẻ Trần Xuân An.
Với ba tập thơ đã xuất bản mấy năm trước đây (Nắng và mưa, Hát chiêu hồn mình, Tôi vẫn ở trên đường), Trần Xuân An đã khẳng định được giọng điệu và vị thế riêng trong làng thơ trẻ. Đọc thơ Trần Xuân An, người ta nhìn thấy cả một thế giới hoài niệm luôn mở ra những hình ảnh hiền hòa của thiên nhiên và quê nhà yêu dấu mang đậm chất trữ tình. Cùng với sự đổi thay của cuộc sống và tâm hồn, thế giới thơ của anh hôm nay cũng đã biến đổi theo. Điều đó thể hiện rõ nét trong tập thơ vừa mới ra đời của anh: Kẻ bị ném vào bão (NXB. Trẻ, 1995).
Nhan để tập thơ đầy hình tượng dường như đã báo trước với người đọc một bước ngoặt mới, bỏ lại đằng sau anh những con chữ hiền hòa, tỉnh táo cùng cái nhạc điệu du dương của con đường quê, mái lá quê nhà. Từ đây, vẫn dòng đời lặng lẽ trong sáng tạo song đã nghe ra hết nỗi niềm buồn vui khi anh chiêm nghiệm bao nhiêu chuyện vật đổi sao dời, sự chiêm nghiệm đôi khi muốn bước qua ranh giới của triết lí.
Khi anh trở lại với đề tài dân dã, anh vẫn còn rung động trước Đồng không, bông súng, Đất cát, Mùa lụt, Mùa hạn, Đồng dao cò trắng quê nhà… Không chỉ dừng lại đó, thế giới của anh mở rộng hơn: Khỏa thân sống, Từ vệ tình ảnh không lời…, Trò chơ điện tử, Địa cầu bùng nổ thông tin, Những không ảnh từng cù lao, Tem điện tử và yêu…Một khuynh hướng thơ cũng đã lôi kéo anh nhiều lần: anh thích bước vào triết lí với nhiều chủ đề mới: Tượng Phật tánh trong chùa nguyên thủy, Tuổi bỗng triệu năm và tươi trẻ, Phân thân, Mũi tên, sống của chết, Nhịp điệu vỉa hè, kinh điển
Đặc biệt với tập thơ xuất hiện lần này, hầu như Trần Xuân An muốn giới thiệu hầu hết những bài thơ “tứ tuyệt” và tứ tuyệt của anh, trong đó có nhiều trang có bốn bài liền mạch.
Nỗ lực sáng tạo, khám phá cái mới bằng hơi thở riêng độc đáo, đó là một Trần Xuân An mới mẻ qua tập thơ này.

(BÙI NGỌC ÁNH
báo Bà Rịa – Vũng Tàu,
số 429, ngày 04. 07. 1995)

VII. Mắt nhìn trong cơn bão

Thơ bốn câu là cách nói chủ định của Trần Xuân An ở tập thơ ”Kẻ bị ném vào bão”. Phải chăng tác giả muốn hòa vào nhịp điệu nhanh gắt của đời sống hiện tại, hay anh muốn tìm một cách thể hiện phù hợp và độc đáo khả dĩ thay cho một vài thể thức đã trở nên thông thường?
Thơ Trần Xuân An kén người đọc, ở chỗ ngôn từ thơ anh có khi mang một vẻ phức tạp, khó hiểu đối với người đọc. Lẽ nào sự nắm bắt và thể hiện ngôn ngữ vốn tinh tế, phong phú của Trần Xuân An có lúc lại trở thành những “ẩn ngữ” đối với người đọc?!
Thơ Trần Xuân An vẫn chất chứa tình mẹ, tình quê, nỗi buồn về những điều bất như ý, tiếng kêu phản kháng thân phận con người… … Ngoài ra còn có mảng thơ hòa vào nhịp sống thị thành hiện nay với những đề tài khá đặc trưng… … Dù với đề tài nào, thơ Trần Xuân An vẫn thể hiện sự gặp gỡ giữa thế giới nội tâm với vũ trụ khách quan thông qua liên tưởng, trí tưởng tượng, sự so sánh… Những suy nghĩ, cảm xúc trước đời sống cộng hưởng với vũ trụ thiên nhiên khiến thơ Trần Xuân An gần với hồn thơ Phương Đông, mang chất triết lí…
… Thơ Trần Xuân An tạo nơi người đọc một ấn tượng có thể hình dung như những nhát cắt trong tranh lập thể, thường mang sức gợi về những điều muốn nói – những hình ảnh biểu đạt ý tưởng, cảm xúc, cả những chớp lóe của tiềm thức.
Cái nhìn mềm mại như sông, Khuấy bùn dao chém vẫn trong không rời… (“Đôi mắt bốn nghìn năm”, tr. 54)…
Rốt cuộc, hình như chính thơ lại giúp cho người làm thơ vượt qua được cơn bão xoáy cuồng của cuộc đời và của chính mình?

(TÔN NỮ THU THỦY
báo Văn nghệ TP. HCM.,
số 234, ngày 11 – 17. 04. 1996)


NHƯ TẤT CẢ LOẠI HÌNH LAO ĐỘNG KHÁC,
LÀM THƠ LÀ TRẢ NỢ CUỘC ĐỜI

như mồ hôi lóng lánh…
hạt sương thơ ca sẽ vô nghĩa biết mấy
nếu chỉ long lanh
bằng cái long lanh riêng tư
và chỉ cho riêng tư!
hạt sương thơ ca lóng lánh
bằng cái lóng lánh của triệu triệu vì sao
giữa bình thường thinh lặng
đó là sự Hiện Hữu
bi đát hoặc hạnh phúc…
tâm thức đã và đang
trĩu nặng hay nhẹ nhõm những công án
tự nghìn xưa, trong hôm nay…
hạt sương thơ ca nhỏ bé
nhưng không vô nghĩa
vì không muốn vô nghĩa!
hạt sương mãi hoài khắc khoải mối nợ
– có mặt ở đời
là đã mắc nợ –
với cả cõi đời
long lanh triệu triệu vì sao…
như mồ hôi
hạt sương lóng lánh…

TRẦN XUÂN AN


KHÔNG THỂ CHẠY TRỐN HƯ VÔ
THÌ PHẢI VƯỢT THẮNG

nàng rằng: “Vì chút nghề chơi
đoạn trường tiếng ấy hại người bấy lâu…” (*)
(Nguyễn Du, Kiều: 3211 – 3212)


Ném cái nhìn ra mênh mông xa xăm, từ vô cực này đến vô cực kia, chỉ chạm phải Hư Vô? Ném cái nhìn vào những gì gần gũi, thiết thân: Hư Vô vẫn thấp thoáng, ẩn hiện trong từng vật-thể-hằng-trao-đổi-chất (**), cả trong từng cảm giác, từng ý nghĩ của từng thân phận Con Người? Dẫu chiêm nghiệm suốt một trăm năm – cái trăm năm ước lệ, tuổi của một đời người cộng với ước muốn có thể, vốn chỉ là khoảnh khắc ngắn ngủi – vẫn Hư Vô? Không thể chạy trốn Hư Vô, dẫu Thời Gian thì vô cùng?
Chưa, và đôi khi cảm thấy không thể vượt thắng vẫn với nỗi băn khoăn, say đắm, lao vào, bước tới và sống hết mình với cuộc sống. Yêu, yêu đến khổ đau Cuộc Sống - Cuộc Sống với tình yêu, phẩm giá làm người, ý nghĩa kiếp người và cõi đời, hi vọng, hoài niệm, bi đát tận cùng, hạnh phúc chan chứa, máu và mồ hôi nước mắt, lịch sử kí và huyền tượng dân dã, tiến hóa, dân tộc, đất nước, nhân loại, quả đất, vũ trụ, nghệ thuật và nghệ sĩ, chính trị, kinh tế và thời cuộc, khát vọng đổi mới và đổi mới… Yêu Cuộc Sống và sống cùng Cuộc Sống vốn phong phú, bề bộn mà có quy luật với cả tầm rộng, độ cao, chiều sâu của chính Cuộc Sống, trong một nỗ lực rất riêng. Nỗ lực, hết mình. Có thể đạt và chưa.
Làm thơ là ôm ghì Cuộc Sống – như người tình – trong cảm giác đứng bên bờ vực thẳm Hư Vô, đương đầu với trời xanh Hư Vô. Trải qua bao bàng hoàng, sợ hãi, tủi nhục, dự phóng khoa học đã vượt thắng. Cái phi lí không phải là thân phận Con Người và Cuộc Sống mà chính là quan điểm Hư Vô bế tắc và huyền thọai siêu hình phản ánh ước vọng siêu thoát bi đát (***).
Làm thơ, in thơ như một sự trả nợ cuộc đời, cho dẫu vay nhiều nhưng chỉ trả toàn những vô nghĩa và vô ích? Phải chăng, vô nghĩa, vô ích vẫn không phải Hư Vô? Phải chăng, nỗ lực một đời vẫn còn đâu đó trong vô thức trần gian với những tương tác biện chứng, dẫu giấy và chữ và người cùng thời, cùng sẻ chia, sẽ trở về cát bụi trong chuỗi hóa sinh sinh hóa ngẫu nhiên – tất yếu, nhân quả luân hồi, tự vô cùng đến vô cùng, là quy luật khách quan? Hơn nữa, tại sao không hát mãi với vô tận, vì cho dẫu tận thế, một cõi thế khác sẽ lại sinh thành từ những vụn vỡ tan tác, vì sinh rồi diệt và từ diệt lại sinh, mãi mãi? Mãi mãi không tan mất, dẫu một thoáng giai đệu bâng quơ. Thoáng ấy mãi lưu trong phần chìm trí nhớ và ngấm ngầm chi phối cả một đời người. Đời người ấy còn tương tác với bao người khác nữa, với cả Dòng Sống mãi mãi trôi chảy, lặng lờ, cuồn cuộn. Khái quát hơn, quả (hiện thực đời người, xã hội) được (hay bị) gieo bởi chính ta? hoặc ngoài ta? do cả nội tâm lẫn ngoại giới? Một bàn tay gieo lúa, vạn bàn tay gieo cỏ, hoặc ngược lại, trên một thửa đất, và còn nhiều tỉ lệ, điều kiện, tình huống khác nữa, sẽ nhận được quả nào? Gieo lúa có thể ăn cỏ nếu… (…). Đẩy xa hơn cái quy luật nhân quả vào Vô Cùng, quả ấy được (bị) gieo truyền qua sóng sinh điện với bao tín hiệu (kì quái?) đã mã hóa từ nhân ai gieo trong chu kì vũ trụ từng có trước đây (một vũ trụ vật chất cách đây hàng tỉ năm đã hình thành và đã hủy diệt, chỉ còn các nguyên tố và mã tín hiệu cho vũ trụ hiện có)… (****).
Hát với đời ơi thương mến! Mãi mãi không tan mất, dẫu không từng có một thượng đế và vô vàn linh hồn như ảo vọng đáng thương của Con Người! Góp với đời tiếng hát vượt thắng, hi vọng! (*****).
Sáu tập thơ được in ra, có một số bài như chia sẻ niềm đau và niềm vui vượt thắng – cuộc vượt thắng ngay giữa lòng mình – với bạn bè và những quê hương, với bao người chưa quen và bao vùng đất chưa đến. Ôi, sự khốc liệt của khía cạnh này có thể chả là gì cả với ai đó. Những trăn trở này, xem ra cơ chừng vớ vẩn, mà cực kì nghiêm trọng, và là lí do tồn tại của bao nhiêu loại triết học, đặc biệt là triết học siêu hình. Sự vượt thắng này có thể chỉ là vượt thắng của một người thơ vốn là người tù của đủ các thứ trường phái văn chương – tư tưởng, lại rất coi trọng khoa học thực nghiệm. Với ai đó, có thể xem đây như một trong những cứ liệu để phản chứng, tuy chỉ là một khía cạnh nhỏ trong sáu tập thơ.

Viết tại Tịnh xá Tâm Không
Tháng chạp năm Ất hợi (giêng 1996)
TRẦN XUÂN AN

Cước chú của bài “Không thể chạy trốn hư vô thì phải vượt thắng”:
(*) nàng rằng: “Vì mấy đường tơ
lầm người cho đến bây giờ mới thôi!...”
(Nguyễn Du, Kiều: 3193 – 3194)
(**) Bất kì vật thể nào cũng đang trong quá trình trao đổi chất với các thực thể khác, đang trong quá trình sinh hóa (vật chất đang trong quá trình vận động của nó…)…
(***) Những bất công, phi lí của hiện thực xã hội có thể cải thiện được trong quá trình tiến bộ của loài người.
(Chú thích vốn có trong bản đã xuất bản, 1996).
(****) Hiện tượng thần giao cách cảm và sóng sinh điện đang được giới khoa học thực nghiệm ghi nhận và nghiên cứu. Ngôn ngữ cõi âm (!).
(*****) Hát, với nghĩa tượng trưng, tổng quát, bao gồm các hình thức nghệ thuật diễn xướng thơ ca (ngâm, đọc diễn cảm, tấu, nói, hát nhạc phổ thơ…).
(05 chú thích trên vốn đã có trong bản xuất bản 1996).


HÁT VỚI ĐỜI, ƠI THƯƠNG MẾN
tập thơ thứ sáu (1973 – 1996)
TRẦN XUÂN AN

² Phụ bản: Trần Xuân An
1. CẢM ƠN MÙA XUÂN
2.TỪ CÁNH LÁ VÀNG, BẾN VẮNG
3.KHI NHÌN XUỐNG BÓNG MÌNH
4.ĐÓA LAN Ở MIỀN ĐẤT MÙA THU XANH
5.GẦN XA LÃNG ĐÃNG
6.VỚI NHỮNG HÀNH GIẢ CỦA TÌNH YÊU
7.NHẠC BIỂN VÀ THÚY KIỀU TÌNH CỜ QUEN BIẾT
² Phụ bản: Trần Xuân An
8.HÁT LÊN VỚI MỖI ĐỜI THƯỜNG TỎA SÁNG
9.HI VỌNG MÙA XUÂN
10.BIỂN TRĂNG HUỲNH THỊ PHÚ
11.NHÌN THẲNG
12.GẶP LẠI GIỌNG XƯA
13.TRẢI NGHIỆM
14.BIẾT ĐÂU NGỌN NGUỒN LẠCH SÔNG…
15.TRƯỚC BIỂN, NHỚ VỀ
² Phụ bản: Trần Xuân An
16.NHẬT THỰC
17.GIỮA THIÊN HÀ NƯỚC MẮT
18.ĐẮM SAY VÀ RẤT TIẾC
19.TƯỞNG TIẾC
20.CỤM TƯỢNG HƯ VÔ
21.TÌNH YÊU CHÍNH MÌNH!
² Phụ bản: Trần Xuân An
22.GỬI MỘT NGHỆ SĨ
23.TẶNG MỘT NGƯỜI LỠ VẬN
24.QUY LUẬT TRỜI ĐẤT ĐIÊN KHÙNG! VỚI THIÊN NHIÊN,
LOÀI NGƯỜI VỐN BÌNH TÂM
25.PÔ SHA-NƯ
26.MÙA XUÂN TRẺ THƠ
27.(chung tiêu đề: 26 & 27):
I. chơi cờ du lịch trên bản đồ cõi đời
II. quốc tế ngữ với đồ chơi phát sóng
² Phụ bản: Huỳnh Thị Phú (*)
28.NGƯỜI DƯNG KHÁC HỌ
29.THĂM MÙA XUÂN TRÊN ĐỈNH XANH
30.ĐIỆU MÚA HÁT THƠ NGHÌN MẮT NGHÌN TAY MỚI
31.CÔ HÀNG SÁCH
32.CHIỀU MƯA ĐÀ NẴNG
33.VỐN DĨ, NGÀN ĐỜI
² Phụ bản: Huỳnh Thị Phú (*)
34.HÃY YÊN TÂM VỀ QUÊ
35.NGÔI NHÀ BÊN THUNG LŨNG SƯƠNG
36.KHÚC VÀO MÙA
37.DỐC “MẠ ƠI”
38.HOA DẠI VÀ BÃO TÁP TRÊN ĐẤT NƯỚC
MỘT TRĂM BA MƯƠI NĂM ĐÁNH GIẶC
² Phụ bản: Huỳnh Thị Phú (*)
39.GẶP NGƯỜI QUEN Ở KON TUM, NGHE CHUYỆN
40.RỪNG TRĂNG
41.HÁT TẶNG BÀI TÌNH YÊU MỚI
42.ĐẤT GỌI THẦM
43.HÁT LÙA BÒ VÔ BƯNG
44.CÔ GÁI ĐẸP ƠI, XIN ĐÀNH VÔ TÂM YÊU EM…
² Phụ bản: Trần Xuân An
45.RĂNG Ở NHÀ THƯƠNG
46.NHÌN RA ĐƯỜNG PHỐ
47.NỤ CƯỜI ƯỚT MƯA SAU DỐC MẠ ƠI
48.PHÁC THẢO BÊN BỜ XUÂN HƯƠNG
49.THOÁNG MỘT MÌNH LÔNG BÔNG GIỮA BẠN BÈ ĐÀ LẠT
50.LẬP XUÂN
51.THĂM NGƯỜI BẠN LỚN TUỔI
52.EM KHẮP ĐẤT TRỜI
53.NHÀ ƠI
² Phụ bản: Nguyễn Thái Tuấn
² Phụ lục: NHỮNG KỈ NIỆM VĂN NGHỆ
² Phụ bản: Nguyễn Thái Tuấn
² Phụ lục: NHƯ TẤT CẢ LOẠI HÌNH LAO ĐỘNG KHÁC,
LÀM THƠ LÀ TRẢ NỢ CUỘC ĐỜI
² Phụ lục: KHÔNG THỂ CHẠY TRỐN HƯ VÔ THÌ PHẢI VƯỢT THẮNG
² Phụ bản nhạc: Trần Đức Tâm
² Phụ bản nhạc: Nguyễn Trung Ngạn (2 bài)
² Mục lục

Cước chú của Mục lục, Phụ bản: Huỳnh Thị Phú:
(*) TXA. (Chú thích ngày 25. 03. 2005).



DANH MỤC
TÁC PHẨM, SOẠN PHẨM, BIÊN KHẢO
CỦA TÁC GIẢ
(tính đến 2005)

Trần Xuân An
sinh ngày 10. 11. 1956 tại Huế;
dân tộc: Kinh (Việt Nam);
quê gốc: Quảng Trị;
tốt nghiệp Khoa Ngữ văn Việt, Đại học Sư phạm Huế
(khóa 1974 – 1978);
dạy phổ thông trung học ở Lâm Đồng (1978 – 1983);
hiện chuyên sáng tác, nghiên cứu tại TP. HCM.
(hội viên Hội Nhà văn TP. HCM.)

Tác phẩm đã xuất bản và đã đăng kí bản quyền tại Cục bản quyền tác giả văn học nghệ thuật Việt Nam:

1. Nắng và mưa, thơ, Hội VHNT. Quảng Trị, 1991.
http://www.giaodiem.com tháng 7-2005
http://www.giaodiem.com/mluc/mluc_III05/705_index.htm
2. Hát chiêu hồn mình, thơ, Nxb. Đồng Nai, 1992.
3. Tôi vẫn ở trên đường, thơ, Nxb. Văn Nghệ Tp. HCM., 1993.
4. Lặng lẽ ở phố, thơ, Nxb. Trẻ, 1995.
5. Kẻ bị ném vào bão, thơ, Nxb. Trẻ, 1995.
6. Hát với đời ơi thương mến, thơ, Nxb. Trẻ, 1996.
Blogger tháng 11-2005
http://tranxuananthitap6.blogspot.com/
7. Quê nhà yêu dấu, trường ca thơ, Nxb. Văn Nghệ Tp. HCM., 1998.
8. Có một nơi lá mãi xanh, tiểu thuyết, Nxb. Hội Nhà văn, 1999.
9. Ngôi trường tháng giêng, tiểu thuyết, 1998, Nxb. Thanh Niên, 2003.
Blogger tháng 11-2005
http://tranxuananngoitruongthgieng.blogspot.com/
10. Sen đỏ, bài thơ hoà bình, tiểu thuyết, 1999, Nxb. Thanh Niên, 2003.
Blogger tháng 11-2005
http://tranxuanansendobthhbinh.blogspot.com/
11. Phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886), truyện – sử kí – khảo cứu tư liệu lịch sử, trọn bộ 4 tập, 2002 – 2003; Nxb. Văn Nghệ TP. HCM.
http://www.giaodiem.com tháng 11-2005
http://www.giaodiem.com/mluc/mluc_IV05/1105_index.htm
12. Ngẫu hứng đọc thơ, phê bình thơ, 2003; NXB. Văn Nghệ TP. HCM., 2005
http://www.giaodiem.com tháng 7-2005
http://www.giaodiem.com/mluc/mluc_III05/705_index.htm

Tác phẩm đã hoàn tất bản thảo:

13. Mùa hè bên sông (Nỗi đau hậu chiến), tiểu thuyết, 1997; hai bản đã sửa chữa và bổ sung, 2001 (lần hai) và 2003 (lần ba).
Website Giao Điểm:
http://www.giaodiem.com tháng 6-2005
http://www.giaodiem.com/mluc/mluc_III05/605_index.htm
14. Thơ những mùa hương, thơ.
Blogger tháng 11-2005
http://tranxuanantthitap9.blogspot.com/
15. Giọt mực, cánh đồng và vở kịch điên, thơ.
http://www.giaodiem.com tháng 9-2005
http://www.giaodiem.com/mluc/mluc_III05/905_index.htm
16. Nước mắt có vị ngọt, tập truyện ngắn, 1999.
http://www.giaodiem.com tháng 10-2005
http://www.giaodiem.com/mluc/mluc_IV05/1005_index.htm

Soạn phẩm biên khảo đã hoàn tất bản thảo:

17. Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886), thơ – Vài nét về con người, tâm hồn và tư tưởng (biên soạn – nghiên cứu, phản bác, và tập hợp một số bản dịch, bài khảo luận văn học và sử học về NVT.), 2000 & 2003.
http://www.giaodiem.com tháng 8-2005
http://www.giaodiem.com/mluc/mluc_III05/805_index.htm
18. Tiểu sử biên niên Kì Vĩ phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường – “kẻ thù lớn nhất của chủ nghĩa thực dân Pháp” (từ Đại Nam thực lục, rút gọn), dạng niên biểu, sách dẫn chi tiết, phần I, 2001.
19. Những trang Đại Nam thực lục về Kì Vĩ phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886) và các sự kiện thời kì đầu chống thực dân Pháp… (Quốc sử quán triều Nguyễn, Tổ Phiên dịch Viện Sử học VN.), chọn lọc, phần II, 2001.
20. Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886), “những người trung nghĩa từ xưa, tưởng không hơn được”, khảo luận và phê bình sử học, 2002 & 2003. Website Giao Điểm:
http://www.giaodiem.com
http://www.giaodiem.com/mluc/mluc_III05/505_index.htm
21. Suy nghĩ về một số vấn đề trong lịch sử cổ đại nước ta, khảo luận, 7.2004.
http://www.giaodiem.com tháng 9-2005
http://www.giaodiem.com/mluc/mluc_III05/905_index.htm

Tặng thưởng, giải thưởng:

1. Báo Văn nghệ giải phóng, 1975.
2. Giải Sáng tạo trẻ, Hội VHNT. Quảng Trị, 1991.



TRÂN TRỌNG KÍNH MỜI TRUY CẬP THÊM
CÁC ĐỊA CHỈ WEBs / BLOGs
(bấm vào các đường LINKs sau đây):

I. THƠ : _________________________
________________________________________________

http://tranxuanantthitap1.blogspot.com/
http://tranxuananthitap2.blogspot.com/
http://tranxuananthitap3.blogspot.com/
http://tranxuanantthitap4.blogspot.com/
http://tranxuananthitap5.blogspot.com/
http://tranxuananthitap6.blogspot.com/
http://tranxuanantruongcatho7.blogspot.com/
http://tranxuananthitap9.blogspot.com/
http://tranxuanantthitap9.blogspot.com/

II. TIỂU THUYẾT : _________________
________________________________________________

http://tranxuananngoitruongthgieng.blogspot.com/
http://tranxuanansendobthhbinh.blogspot.com/
http://tranxuanancmnlamaixanh.blogspot.com/
http://tranxuanancmnlamaix2.blogspot.com/

III. PHÊ BÌNH – TIỂU LUẬN : ________
________________________________________________

http://tacphamtranxuanangiaodiem.blogspot.com/
http://tranxuanantieuluan.blogspot.com/
http://tranxuanantieuluan9b.blogspot.com/
http://tranxuananbinhtho.blogspot.com/

IV. TRUYỆN – SỬ KÍ –
KHẢO CỨU TƯ LIỆU LỊCH SỬ :
____________
________________________________________________

http://tranxuananpcdtnvt1a.blogspot.com/
http://tranxuananpcdtnvt2a.blogspot.com/
http://tranxuananpcdtnvt2b.blogspot.com/
http://tranxuananpcdtnvt3a.blogspot.com/
http://tranxuananpcdtnvt3b.blogspot.com/
http://tranxuananpcdtnvt4a.blogspot.com/
http://tranxuananpcdtnvt4b.blogspot.com/
http://tranxuananpcdtnvt4c.blogspot.com/

V. TRANG PHỤ : PHẢN HỒI : ĐỒNG CẢM – TRAO ĐỔI – LÀM RÕ & ĐÍNH CHÍNH _____________
_________________________________________

http://tranxuanan-trphu.blogspot.com/



HOẶC CÓ THỂ BẤM VÀO DÒNG CHỮ
VIEW MY COMPLETE PROFILE
Ở BẢNG ABOUT ME
ĐỂ TỪ NHỮNG ĐƯỜNG LINKs TẠI ĐÓ,
ĐỌC NHỮNG TÁC PHẨM KHÁC CỦA TÁC GIẢ
TRÊN WEBs / BLOGGER.


NGOÀI RA, CÓ THỂ TRUY CẬP THÊM
CÁC TÁC PHẨM SÁNG TÁC, KHẢO LUẬN, BIÊN SOẠN
CỦA TÁC GIẢ
TRÊN TẠP CHÍ ĐIỆN TỬ GIAO ĐIỂM
(xin bấm vào các đường LINKs sau đây):

http://www.giaodiem.com/mluc/mluc_III05/505_index.htm
http://www.giaodiem.com/mluc/mluc_III05/605_index.htm
http://www.giaodiem.com/mluc/mluc_III05/705_index.htm
http://www.giaodiem.com/mluc/mluc_III05/805_index.htm
http://www.giaodiem.com/mluc/mluc_III05/905_index.htm
http://www.giaodiem.com/mluc/mluc_IV05/1005_index.htm
http://www.giaodiem.com/mluc/mluc_IV05/1105_index.htm
http://www.giaodiem.com/mluc/mluc_IV05/1205_index.htm

http://www.giaodiem.com/mluc/mluc_IV05/1105_txa-ky-content.htm


Trân trọng và cảm ơn.
Tác giả,
Trần Xuân An




TÁC GIẢ GIỮ BẢN QUYỀN
TỪNG CHỮ, TỪNG Ý TƯỞNG CỦA MÌNH.
TRÂN TRỌNG VÀ THÀNH THẬT BIẾT ƠN.

XIN TÌM ĐỌC
thơ đăng trên các báo từ giữa những năm bảy mươi đến nay
trong các tập thơ tac giả đã xuất bản;
thơ trong các tuyển thơ xuất bản ở Huế, Đà Lạt, TP. HCM., Hà Nội, Đà Nẵng…
(Thơ tình bốn phương, Hai thập kỉ thơ Huế, Thơ Miền Trung thế kỉ XX, Nghìn năm tứ tuyệt, Thơ văn Quảng Trị thế kỉ XX [Non Mai sông Hãn]…)
& CÁC CUỐN SÁCH KHÁC CỦA TÁC GIẢ
KÍNH CẢM ƠN


HẾT

5 Comments:

Blogger Customersupport said...

Is your Binance account got hacked in Binance? Hacking issues are fine-tuned and should be well-taken care of because as they can produce the huge jumble in your account. In order to resolve all the queries, you can dial Binance Customer Service Number 1800-665-6722 and speak to the executives who are always there to guide you. You can contact them around the clock and don’t have to worry about the issues as they will be covered in a fraction of time with their deserving services.

2:46 CH  
Blogger Blockchain Customer Service 24*7 Help said...

Is your Blockchain 2fa got failed? Do you know the accurate means and methods to deal with this error? If no, you can always get in contact with the team of talented advisors who is always there to support you in the worst time. Dial Blockchain Support Number +1 (800) 861-8259 and attain the full-fledged information about Blockchain and learn the recovery measures to erase all your errors and glitches.

1:42 SA  
Blogger Blockchain Customer Service 24*7 Help said...

Error occurrence like password errors, login errors, signup errors, puzzle captcha not working are the common errors faced by the users every now and then. If you’re dealing with any of the above issues, you can reach the professionals by dialing Blockchain customer support Number +1 (800) 861-8259. They are known for providing the out-of-the-box experts services. They will offer handy and prompt solutions and remedies. You can approach them any time as they are available 24/7 to assist the Blockchain users.

11:58 CH  
Blogger Customersupport said...

It is protected to state that you are a Gemini client who can't make a record in Gemini? Are you learned about consumed on of amazing around such issues and need to discard these issues and acknowledge organizations of Gemini. Dial Gemini helpline Number+1 (800) 861-8259 to profit the organizations of the most reliable experts in the business. They reach to the establishment of issues and help you out in astonishing way which supports you understand the issues. The specialists are skilful and continually happy to help.

1:16 SA  
Blogger Blockchain Customer Service 24*7 Help said...

Do you want to fix the errors that exist while sending and receiving Bitcoin in Binance? If you don’t know how to fix this error, you can take help from the specialists who are always at service and knows the perfect solutions that are easy to implement. To get in touch with the specialists, you can dial Binance Support Number +1877-209-3306 and speak to the team of specialists who deliver quality oriented solutions to the users.

12:33 SA  

Đăng nhận xét

<< Home

http://www.tranxuanan-writer.blogspot.com
WEBSITE TRAN XUAN AN

 

 

 

 

WEB. TRAN XUAN AN'S WORKS (BOOKS)

Poet / writer & researcher

Twenty one published-books

(poem; novel; essay; research; critical contribution on history, literature...)

The HCM City Literature-writer Association member

 

                 author's copyrights

      

 

 

http://www.tranxuanan-writer.blogspot.com

http://tranxuanan-writer.blogspot.com

 

Tac pham

TRAN XUAN AN

 

 

http://www.tranxuananwriter.blogspot.com

http://tranxuananwriter.blogspot.com/

&

http://www.tranxuanan--writer.blogspot.com

http://tranxuanan--writer.blogspot.com/

 

 

TAC GIA GIU BAN QUYEN

( AUTHOR'S COPYRIGHT ).

 

hidden hit counter

WEBSITE TRAN XUAN AN

http://c.1asphost.com/TrXuanAn/web_index.htm

 

 

Trang chu    |    Tac pham     |    Tac gia      |      Hinh anh     |     Lien lac      |    Gop y

 

 

 

 

 

HINH ANH NHUNG TAC PHAM DA XUAT BAN THANH SACH IN GIAY

SO DO WEBSITE TRAN XUAN AN

 

 

 

 

http://www.blogger.com/profile/14904482

 

http://www.tacphamtranxuanangiaodiem.blogspot.com

 

 

 

01-02 HB7: Google chuyển từ host cũ sang host mới